Nhà công vụ
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:59, 09/08/2020
1) Từ hồi còn rất nhỏ, lúc bốn năm tuổi vào thời điểm 1960, tôi đã nghe nói và có khái niệm về nhà công vụ. Mỗi mùa hè được gia đình đưa lên Lái Thiêu hay Thủ Dầu Một (Bình Dương) ở chơi vài tháng, mùa hè của tôi là ban ngày lang thang trên những đồi đất ngút xanh nhiều cây phượng, cây điệp, ban đêm ngủ trong nhà công vụ. Tôi ở nhà công vụ của nữ hộ sinh trưởng Thủ Dầu Một, một bậc trưởng thượng trong gia đình và lâu lâu được dắt qua chơi nhà công vụ nơi ở của bác sĩ trưởng bệnh viện Thủ Dầu Một.
Năm 1964 người lớn trong gia đình được bổ về tòng sự tại Sài Gòn. Ấn tượng của tôi là bà chuẩn bị rời nhà công vụ một cách nhẹ nhõm. Ngày đi, tôi chạy lăng quăng hỏi chị ơi sao mình không giữ nhà này, lâu lâu lên chơi.
- Đâu phải nhà mình em.
- Mình mua…
- Không ai có quyền mua. Không ai có quyền bán. Nhà này để cho công chức ở làm việc, hết làm việc thì để cho người khác tới ở mà làm việc (chị vuốt tóc tôi và giải thích).
- Vậy ai là chủ nhà hở chị? (chưa vừa lòng, thằng nhỏ hỏi tiếp).
Ông tài xế chiếc xe lô (một kiểu xe cỡ bảy chỗ hay chín chỗ bây giờ, dùng chở hành khách), đang tiếp chúng tôi rinh đồ đạc ra xe, cười hê hê chen vô: "Của dân chúng, của mấy người đóng thuế như tụi tao. Có tiền thuế của tao trong đó nữa nha mậy. Nhà nước lấy tiền mua nhà, để cho mấy người có trình độ như cô Ba đây ở làm việc cho tụi tao!".
Sáu chục năm rồi, có thể chi tiết không hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh và những câu nói đó tới giờ vẫn đọng trong tôi. Chắc chắn rằng, thằng nhỏ hiểu hết những gì người lớn nói, dù có thể không hiểu sâu sắc tận chi tiết. Bài học Giáo dục công dân đầu đời của tôi về tổ chức xã hội và trách nhiệm công dân tới từ cô nữ hộ sinh trưởng một tỉnh lẻ, từ ông tài xế xe lô chạy đường trường…
2) Hổm rày, nghe tin một vị tai to mặt lớn Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi hết hạn sử dụng nhà công vụ, đã làm đơn gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục ở lại đó. Đây chỉ là một trong không ít trường hợp xin hóa giá hay ở lâu dài trong nhà công vụ. Thực không hiểu nổi!
Bản chất của nhà công vụ là căn nhà truyền từ người công chức này sang người công chức khác. Không nên vi phạm ý nghĩa, mục đich, thói quen và qui định sử dụng nhà công vụ. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của công tác quản lý. Một ly nhích chân sẽ tạo hàng cây số sai sót và hỗn loạn trong việc vi phạm của cấp dưới. Cần có tinh thần kỷ luật, cấp càng cao mà vi phạm điều này thì hậu quả càng nặng nề.
Người công chức phải hiểu nằm lòng rằng nhà công vụ là nhà của quốc gia, xã hội, không phải của cá nhân. Muốn chiếm riêng hay ở lì trong nhà công vụ là tham của phi nghĩa!
Trong hàng ngũ công chức, quan chức Việt Nam, không phải không có người liêm chính, nhưng phải nói có nhiều người hưởng lợi bất chính từ vị trí của mình. Dân chúng nhìn số cán bộ cấp huyện trở lên sở hữu biệt phủ tọa lạc tại các vị trí đắc địa là đủ biết! Trong số những người muốn lấy nhà công vụ, không ít người đã sở hữu vài ba biệt phủ do người thân đứng tên và chắc giá trị của chìm vượt quá sự tưởng tượng của thường dân. So với của cải họ thủ đắc, nhà công vụ có giá trị thấp, còn đòi hỏi làm gì để dính vào điều tiếng không hay!
Đất nước đang đứng trước đe dọa bị xâm lấn; trên thực tế đã mất nhiều đảo và vùng biển sinh tồn của dân tộc. Người nghèo rất nhiều, đi tha phương quốc tế giúp việc nhà hay chết tập thể trên đường di tản lậu, trẻ em đi học lần bước cầu treo cheo leo mục nát. Hệ thống hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu còn khiêm tốn của sự phát triển quốc gia. Đang mùa dịch COVID-19 đợt hai, chưa biết tương lai đất nước, xã hội ra sao, người công chức, nhất là công chức cấp cao, hưởng bổng lộc của dân, ăn trên ngồi trước, phải thấy trách nhiệm của mình trong hiện trạng quốc gia. Đây là lúc phải nhường cơm xẻ áo, phải nêu gương liêm khiết, phải đau đáu tìm cách mời gọi người tài đức cùng nhau góp sức chống đỡ quốc gia, có đâu lại làm bận lòng Thủ tướng, Chính phủ vì một chuyện tào lao như thế này?
Qua việc nhà công vụ mấy ngày nay, người ta thấy nhiều vấn đề về nhân sự trong bộ máy hành chánh công: Tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tính liêm khiết, lòng tự trọng… Đều là những giá trị cốt lõi và đạo đức của bất kỳ bộ máy hành chánh công nào!
Câu chuyện nhà công vụ này của một vị lớn trong Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tấm gương không đẹp! Tự nhiên tôi nhớ lại những bài học đầu đời về trách nhiệm công dân từ cô nữ hộ sinh khiêm tốn tỉnh lẻ và từ ông tài xế xe lô của xã hội cũ, năm 1964…
Lê Học Lãnh Vân