Samuel Baron viết về Đàng Ngoài: Đám tang xa hoa của Chúa Trịnh
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:45, 10/08/2020
Để tránh cho vương quốc Đàng Ngoài, nhất là Kẻ Chợ lâm vào thế nguy hiểm và hoảng loạn, ngay sau khi Chúa qua đời thì thông tin bí mật này phải được giữ kín, không được để lộ ra ngoài biết trong vòng 3 – 4 ngày. Sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của tác giả Samuel Baron (thế kỷ 17) kể: “Việc đầu tiên người ta làm cho vị Chúa quá cố là tắm rửa cho thi hài được sạch sẽ, mặc cho ông 7 bộ áo đẹp nhất, dâng lên cho ông thức ăn, đồ uống thịnh soạn nhất. Kế đó, Thái tử kế vị cùng các anh chị em của mình vào để khóc than thảm thiết, lạy 5 lần, hỏi han xem ông cần gì để họ biết mà chu cấp…”.
Các quan lại nhân dịp này cũng bày tỏ lòng tôn kính với Chúa ở Đàng Ngoài. Họ được phép vào làm những thủ tục phúng viếng, Thái tử kế vị đứng ra đáp lễ. Và cũng chỉ những người này được phép vào chỗ đặt thi hài của Chúa chứ ngay cả họ hàng xa cũng không được phép đến gần. Tác giả Samuel Baron tiết lộ thêm: “Sau đó, họ bỏ vào miệng người quá cố những mẩu vàng, bạc, ngọc trai. Thi hài của vị Chúa quá cố được quàn vào một cỗ áo quan lộng lẫy làm từ loại gỗ tốt nhất, được sơn phủ lớp dày và đẹp. Phía dưới đáy áo quan người ta rải một lớp bột gạo (rang) và hạt dầu thơm để chống mùi hôi thối, sau đó trải một lớp thảm lên rồi mới đặt thi hài người chết. Liệm xong, người ta đặt cỗ quan tài ở một phòng khác, đèn nến cháy suốt ngày đêm, cơm canh được dọn lên ba bữa một ngày, vào lúc 5 giờ hoặc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 5 giờ chiều. Mọi người vào lễ, viếng và chăm sóc Chúa chu đáo và công việc cứ lặp đi lặp lại hằng ngày cho đến khi người ta đem thi hài người quá cố đi chôn cất”.
Khi đưa Chúa ở Đàng Ngoài đã mất về quê, việc đầu tiên, các quan lại chỉ huy đội quân binh mặc lễ phục, mang theo vũ khí dẫn đường trước chiếc quan tài của Chúa quá cố. Theo sau là hai người lực lưỡng cầm khiên, có đeo mặt nạ như dọa nạt và xua đuổi ma quỷ. Phía sau là đoàn tùy tùng là những đội quân nhạc gồm kèn, trống, cồng… phối lên nhiều bản tang tóc đầy não ruột. Đoàn cờ trướng nối tiếp với các danh hiệu và chiến công mà Chúa ở Đàng Ngoài đạt được khi còn sống, nhiều lời ngợi ca còn được thêu bằng chữ vàng, đóng vào khung trang trọng, có thể đến 20 – 30 lính vệ khiêng đi theo.
Sự xa hoa của đám tang của Chúa ở Đàng Ngoài còn thể hiện ở số lượng thuyền tham dự đám tang khoảng 50 hoặc 60 chiếc thuyền. Tất cả rời bến Kẻ Chợ khi mọi công đoạn xong xuôi để đi về Thanh Hóa, nơi quê hương bản quán của dòng họ nhà Chúa vừa qua đời. “Chuyến đi kéo dài từ 5 – 6 ngày. Chiếc thuyền chở áo quan được kéo bởi 5 hoặc 6 thuyền khác. Cả đoàn người lầm lũi đi trong im lặng. Đến địa phận các tỉnh, họ dừng lại để quan cai trị tỉnh đó làm lễ tế và dâng các lễ vật: trâu, bò, lợn. Khi đoàn tang lễ về đến quê nhà của Chúa, họ còn phải cử hành rất nhiều lễ nghi theo phong tục của xứ này. Nơi chôn cất của Chúa luôn được giữ kín, rất ít người biết và chỉ những ai đã thề độc là trung thành tuyệt đối với sứ mệnh này thì mới biết cụ thể”, sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài tiết lộ cụ thể.
Theo Thanh Niên