Trung Quốc bỏ tù nhà cung cấp VPN, dân Mỹ, Ấn, Úc và Nhật đua nhau dùng vì TikTok
Thế giới số - Ngày đăng : 16:00, 10/08/2020
Sợ TikTok bị cấm, lượng người quan tâm VPN tăng đột biến
VPN là ứng dụng giúp người dùng vượt tường lửa để truy cập các trang web và dịch vụ nước ngoài bị cấm hay chặn.
“Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới cố gắng kiểm soát thông tin mà công dân của họ có thể truy cập. Vì lý do này, VPN được nhiều người trên toàn thế giới sử dụng để truy cập các trang web và dịch vụ bị chặn”, Harold Li, phó chủ tịch ExpressVPN - công ty cung cấp dịch vụ VPN với hơn 3.000 máy chủ tại 94 quốc gia.
Trang web của ExpressVPN đã tăng lưu lượng truy cập tăng 10% mỗi tuần sau khi Chính phủ Hoa Kỳ đe dọa cấm TikTok. ExpressVPN ghi nhận xu hướng tương tự ở Nhật Bản và Úc khi chứng kiến lưu lượng truy cập web tăng 19% và 41% sau khi chính quyền hai nước này thông báo có thể chặn TikTok.
Khi Ấn Độ cấm TikTok, ExpressVPN thấy lưu lượng truy cập web của họ tăng 22% tại nước này. Tại Hồng Kông, nơi TikTok tự nguyện rút lui sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh, ExpressVPN ghi nhận mức tăng trưởng lưu lượng truy cập web 10%.
VPN không phải là viên đạn ma thuật
VPN từ lâu đã trở thành giải pháp phổ biến để mọi người tránh các hạn chế trên internet, có thể là nội dung bị kiểm duyệt hoặc lệnh cấm ứng dụng.
“Chúng tôi đã viết về việc người dân Hồng Kông đổ xô vào các dịch vụ VPN với mong muốn vượt qua chuyện bị kiểm duyệt gắt gao. Thế nhưng, sử dụng VPN không phải là một viên đạn ma thuật’, một học giả truyền thông Hồng Kông cảnh báo.
Các chính phủ có thể gây khó khăn cho người dùng bình thường trong việc truy cập VPN bằng cách xóa chúng khỏi các cửa hàng ứng dụng địa phương.
Người dùng sẽ phải đăng ký VPN trong cửa hàng ứng dụng khu vực khác nhưng có thể gặp các rào cản như phải sở hữu thẻ tín dụng. Các quốc gia cũng có thể cấm dùng VPN, phạt người dùng và thậm chí bỏ tù các nhà cung cấp VPN như Trung Quốc đã làm.
Năm 2017, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc phải nhận án phạt 5,5 năm tù và 500.000 NDT (72.790 USD) vì cung cấp VPN từ 2013. Hồi tháng 1.2019, nhà chức trách Trung Quốc phạt người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông 1.000 nhân dân tệ vì sử dụng dịch vụ VPN trái phép để kết nối với các trang web quốc tế.
Hành vi sử dụng VPN trái phép vi phạm Điều 6 và 14 trong Quy định tạm thời về Quản lý thông mạng lưới quốc tế của thông tin điện tử của Trung Quốc.
Hồi tháng 8.2017, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các trang thương mại điện tử lớn trong nước phải loại bỏ các nhà cung cấp VPN - ứng dụng cho phép người dùng vượt qua tường lửa để truy cập các dịch vụ bên ngoài biên giới bị cấm tại Trung Quốc như Facebook, Gmail hay YouTube...
Trung Quốc vốn áp dụng chế độ kiểm duyệt mạng cực kỳ khắt khe. Apple bị yêu cầu phải gỡ bỏ các ứng dụng VPN có trên App Store tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng ra lệnh cho ba nhà mạng lớn là China Mobile, China Telecom và China Unicom chặn tất cả các VPN cá nhân từ ngày 1.2.2018.
Dù vậy, tùy thuộc vào cách ứng dụng hoạt động trong thực tế, có thể có những thách thức khác mà VPN không thể giải quyết được.
“Chúng tôi chưa biết các lệnh cấm tiềm năng được thực thi như thế nào và người dùng có thể tiếp tục truy cập TikTok khi sử dụng VPN hay bằng cách khách, chẳng hạn như tháo thẻ SIM”, Harold Li nói.
“Người dùng có thể tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các ứng dụng bị cấm, nhưng việc chuyển đổi dịch vụ có khả năng dẫn đến chi phí cao, đặc biệt khi một sản phẩm có hiệu ứng mạng mạnh. Chẳng hạn, TikTok có hiệu ứng mạnh về nội dung mà các đối thủ khó khách khó có thể mang đến cho người dùng”, Harold Li chia sẻ thêm.
Tương tự TikTok, nhiều người lo lắng về lệnh cấm WeChat tiềm năng ở Mỹ vì thiếu giải pháp thay thế khả thi cho ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc có hơn 1 tỉ người dùng.
Với các thành viên của cộng đồng người Hoa ở Mỹ, WeChat là cách duy nhất để họ liên hệ với gia đình và bạn bè ở Trung Quốc, nơi ứng dụng này đang thống trị khi các mạng xã hội lớn của phương Tây không được hoạt động.
Không như Telegram và WhatsApp, người dùng vẫn có thể truy cập được ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal (Mỹ) ở Trung Quốc. Chỉ từ ngày 7.8 đến 9.8, Signal đã tăng 51 bậc và xếp vị trí thứ 36 trong bảng xếp hạng ứng dụng xã hội cho iOS tại Trung Quốc.
Những người khác ở Trung Quốc sử dụng iMessage để giữ liên lạc với bạn bè, người thân, đối tác tại Mỹ nhưng tính năng này chỉ dành riêng cho iPhone.
Các cá nhân và doanh nghiệp toàn cầu ngày càng cần phải thích nghi với việc bị ngừng cung cấp dịch vụ hoặc có nguy cơ mất quyền truy cập vào Internet miễn phí và mở. Người sáng lập Telegram, Pavel Durov, đã than thở: “Việc Mỹ chống lại TikTok đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm rằng có thể giết chết Internet như một mạng toàn cầu thực sự”.
Nhân Hoàng