Nhật Bản sẵn sàng cho tình huống tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp

Chuyển động - Ngày đăng : 18:57, 10/08/2020

Chính quyền Nhật Bản lo ngại các đội tàu cá của Trung Quốc có thể đi vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, đồng thời cảnh báo lực lượng phòng vệ của họ sẽ sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc xâm phạm nào.
Trinh sát cơ Nhật Bản bay qua nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư - Ảnh: AP

Nếu Bắc Kinh cho phép - hoặc khuyến khích - các tàu mang cờ Trung Quốc đánh cá hoặc hoạt động gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku, sẽ khiến căng thẳng leo thang hơn nữa giữa hai nước. Các nhà phân tích cảnh báo Tokyo sẽ đưa ra những biện pháp để đáp trả, đặc biệt nếu các tàu quá được hộ tống bởi các tàu tuần duyên Trung Quốc.

Hãng tin Sankei của Nhật Bản hôm 10.8 cho biết, Bắc Kinh đã thông báo với Tokyo về việc lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) tranh chấp sẽ hết hiệu lực vào ngày 16.8 tới. Động thái này nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo và vùng biển xung quanh, nhấn mạnh Nhật Bản không có quyền yêu cầu các tàu đánh cá của họ dừng lại.

Giới quan sát nhận định, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực này, Trung Quốc có thể cho phép một đội tàu đánh bắt quy mô lớn với sự hậu thuẫn của lực lượng dân quân biển, tuần duyên và hải quân Trung Quốc đánh bắt xung quanh quần đảo tranh chấp.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để đối phó với mọi sự xâm nhập. Trong khi đó, một quan chức chính phủ cấp cao Nhật Bản đã lên án thông báo của Bắc Kinh và coi đó là một động thái chiến lược được đưa ra để biện minh cho những hành động khiêu khích sau khi lệnh cấm đánh bắt cá kết thúc.

Khi lệnh cấm đánh bắt cá trước đó được Bắc Kinh dỡ bỏ vào năm 2016, 72 tàu đánh cá của Trung Quốc được hộ tống bởi 28 tàu của dân quân biển, tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản liên tục trong 4 ngày.

Các tàu tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc liên tục đi vào lãnh hải Nhật Bản hoặc vùng tiếp giáp quanh quần đảo tranh chấp và phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản trong suốt 18 tháng qua. Gần đây, các tàu tuần duyên Trung Quốc mới rút khỏi khu vực quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư để tránh bão sau 111 ngày hiện diện liên tục ở khu vực này.

Phản ứng trước sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi Suga khẳng định "nhóm đảo Senkaku thuộc quyền kiểm soát của Nhật" và "chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh".

Được biết, Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku là Điếu Ngư, nhưng Nhật Bản hiện là bên quản lý trực tiếp kể từ năm 1972. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều khẳng định có bằng chứng cho thấy họ đã xác lập chủ quyền với quần đảo này từ hàng trăm năm trước. Chính phủ Nhật Bản duy trì quan điểm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Tokyo khẳng định không có vấn đề chủ quyền lãnh thổ nào cần phải giải quyết đối với quần đảo này.

Garren Mulloy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Daito Bunka (Nhật Bản), chuyên gia về các vấn đề an ninh khu vực, nhận định rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách lấn lướt lực lượng tuần duyên của Nhật Bản về khả năng kiểm soát và bảo vệ các tàu ở những vùng biển trong khu vực nhằm củng cố các tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền. “Điều đó khá nghiêm trọng và là cơn ác mộng đối với Nhật Bản”, ông nói.

Mulloy cho biết lực lượng tuần duyên của Nhật Bản đã được tăng cường, với các đơn vị ở phía bắc giám sát các đơn vị của Nga, những đơn vị khác hoạt động ở Biển Nhật Bản để hạn chế nạn săn trộm của tàu cá Triều Tiên. Theo ông, Trung Quốc, với lực lượng tuần duyên và hải quân lớn, đang nỗ lực thăm dò và khai thác những điểm yếu của Nhật Bản.

“Lực lượng tuần duyên Nhật Bản có thể ứng phó với khoảng 10 tàu cá, nhưng nếu có đến 200 tàu cá lại được hộ tống bởi các tuần duyên của Trung Quốc, thì chỉ có thể đối phó với một số lượng nhất định”, ông Mulloy nhận định.

Bên cạnh đó, Mulloy cho biết Trung Quốc dường như đang cố "gây gổ với mọi quốc gia vào lúc này", viện dẫn các cuộc đối đầu với một số nước ở Biển Đông, với Đài Loan và ở biên giới Ấn Độ.

“Họ đang tỏ ra rất khiêu khích và thật khó hiểu vì họ không cần phải như vậy. Quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc không tệ trong những năm gần đây nhưng mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn khi chuyến thăm cấp nhà nước theo kế hoạch tới Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hoãn lại. Có lẽ người Trung Quốc nghĩ rằng mọi người đang gây chiến với họ, nhưng chúng ta phải nhớ rằng mọi điều Bắc Kinh làm đều có ý nghĩa. Mọi thứ đều mang tính chiến lược”, ông nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản (MSDF) sẽ sẵn sàng cho bất cứ kịch bản đối đầu nào, các tàu của MSDF sẽ được triển khai ở vị trí đủ gần, khoảng 180km. Điều đó sẽ cho phép các tàu MSDF hỗ trợ lực lượng tuần duyên nếu cần và cũng đủ gần để hỗ trợ nếu có tai nạn hoặc tàu chìm. Bằng cách giữ khoảng cách đó, Nhật Bản cũng có thể tránh làm leo thang tình hình. Ngoài ra, MSDF có thể dùng máy bay tuần tra để theo dõi cả tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương trong khu vực để đưa ra cảnh báo sớm.

Akitoshi Miyashita, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo (Nhật Bản), cho biết, mặc dù Nhật Bản có thể giám sát bất kỳ cuộc xâm nhập nào, nhưng khả năng buộc các tàu mang cờ nước ngoài rời khỏi lãnh hải của mình sẽ bị hạn chế.

Ông Miyashita cũng cho biết giới chức Nhật Bản đang thúc giục chính phủ áp dụng một lập trường không khoan nhượng hơn đối với Trung Quốc.

“Nhiều người tin rằng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cần phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tôi chắc chắn rằng ông ấy đang phải chịu áp lực từ một số chính trị gia biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có dấu hiệu xấu đi trên nhiều lĩnh vực”, ông Miyashita nói.

Hoàng Vũ (theo SCMP)