Toan tính đằng sau Hiệp ước giữa Trung Quốc với Iran

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:26, 11/08/2020

Quan hệ đối tác chiến lược mới của Tehran với Bắc Kinh sẽ mang lại cho Trung Quốc một chỗ đứng chiến lược và củng cố nền kinh tế Iran cũng như tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Quan hệ Trung Quốc - Iran gắn bó trong thời gian gần đây

Một tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy Trung Quốc và Iran đang bước vào quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 25 năm về thương mại, chính trị, văn hóa và an ninh.

Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông không phải điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, điểm khác biệt của sự hợp tác là cả Trung Quốc và Iran đều có tham vọng trên toàn cầu và trong khu vực, cả hai đều có mối quan hệ đối đầu với Mỹ, và có một vài điều khoản an ninh trong thỏa thuận. Khía cạnh quân sự của thỏa thuận này gây lo ngại đến Mỹ, giống như cuộc tập trận hải quân chung chưa từng có tiền lệ giữa Iran - Trung Quốc - Nga trong năm ngoái ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman đã khiến Washington lo sợ.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Á và Châu Phi đã thách thức Mỹ, và Trung Đông là chiến trường tiếp theo mà Bắc Kinh có thể thách thức quyền bá chủ của Mỹ - lần này là thông qua Iran. Điều này đặc biệt quan trọng vì thỏa thuận này và các tác động của nó vượt ra ngoài phạm vi kinh tế và các mối quan hệ song phương: Nó hoạt động ở cấp độ nội bộ, trong khu vực và trên toàn cầu.

Về mặt nội bộ, thỏa thuận này có thể là một “phao cứu sinh” cho nền kinh tế của Iran, cứu lấy nền kinh tế thiếu tiền mặt, bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt bằng cách đảm bảo việc bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc. Ngoài ra, Iran sẽ có thể sử dụng quan hệ chiến lược với Trung Quốc như một con bài thương lượng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể xảy ra trong tương lai với phương Tây bằng cách tận dụng khả năng mở rộng dấu chân của Trung Quốc ở vịnh Ba Tư.

Trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc xem xét kỹ hơn quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Iran và Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho khả năng đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Đó là bởi vì quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Iran chứng minh rằng chiến lược gây áp lực tối đa của chính quyền Trump đã thất bại; không những không kiềm chế được Iran và thay đổi hành vi của họ trong khu vực mà còn đẩy Tehran vào trong vòng tay của Bắc Kinh.

Về lâu dài, sự gần gũi chiến lược của Iran với Trung Quốc ngụ ý rằng Tehran đang điều chỉnh cái gọi là chính sách “Hướng Đông” nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và khu vực cũng như thách thức và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ ở khu vực vịnh Ba Tư.

Đối với Trung Quốc, hiệp ước có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng của nước này. Vịnh Ba Tư cung cấp hơn một nửa nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Do đó, việc đảm bảo quyền tự do hàng hải qua vịnh Ba Tư có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc. Ả Rập Saudi, đồng minh thân cận của Mỹ, hiện đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc, khi nhập khẩu của Trung Quốc từ vương quốc này vào tháng 5 đã lập kỷ lục mới với 2,16 triệu thùng/ngày. Sự phụ thuộc này trái ngược với chính sách chung của Trung Quốc là đa dạng hóa các nguồn năng lượng và không lệ thuộc vào một nhà cung cấp (các nhà cung cấp dầu Ả Rập khác của Trung Quốc ở vùng vịnh Ba Tư có quan hệ an ninh chặt chẽ với Mỹ).

Trung Quốc lo ngại rằng khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước này gia tăng, Mỹ có thể gây áp lực khiến các nước này không cung cấp lượng năng lượng cần thiết cho Bắc Kinh. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran vừa là hàng rào vừa là chính sách bảo hiểm, nó có thể cung cấp cho Trung Quốc một nguồn năng lượng được đảm bảo và chiết khấu.

Mối quan hệ Trung Quốc - Iran chắc chắn sẽ định hình lại cục diện chính trị của khu vực theo chiều hướng có lợi cho Iran và Trung Quốc, làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Mỹ. Trên thực tế, thỏa thuận cho phép Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Bối cảnh chiến lược đã thay đổi kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ. Trong trật tự khu vực mới, bản sắc xuyên quốc gia dựa trên sự phân chia tôn giáo và giáo phái đã lan rộng và thay đổi bản chất của quyền lực xã hội.

Những thay đổi này, cũng như việc Mỹ rút quân và tình hình bất ổn do làn sóng cách mạng Mùa xuân Ả Rập, đã tạo cơ hội cho các cường quốc tầm trung như Iran lấp đầy khoảng trống và tăng cường sức mạnh khu vực của họ. Đồng thời, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ hơn để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới và đóng vai trò gây tác động nhiều hơn ở các khu vực khác. Tham vọng này được thể hiện ở việc giới thiệu sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, trong đó nêu bật tầm quan trọng chiến lược của khu vực Trung Đông.

Trung Quốc hiểu rõ vị trí và tầm quan trọng của Iran như một cường quốc khu vực ở Trung Đông mới. Những phát triển trong khu vực trong những năm gần đây đã củng cố ảnh hưởng của Iran. Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận theo định hướng phát triển phi chính trị đối với khu vực, sử dụng sức mạnh khu vực của Iran để mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia lân cận và thiết lập an ninh trong khu vực thông qua cái mà nước này gọi là hòa bình phát triển, thay vì quan niệm của phương Tây về hòa bình dân chủ. Đó là cách tiếp cận mà các quốc gia chuyên chế ở khu vực Trung Đông có xu hướng hoan nghênh.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018 và việc áp dụng chính sách gây áp lực tối đa sau đó là nỗ lực cuối cùng của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực. Mặc dù chính sách này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Iran, nó vẫn chưa thể thay đổi các chính sách quân sự và trong khu vực đầy tham vọng của đất nước này. Do đó, hợp tác chiến lược mới được thiết lập giữa Trung Quốc và Iran sẽ làm suy yếu thêm đòn bẩy của Mỹ, mở đường cho Trung Quốc đóng một vai trò gây tác động nhiều hơn ở Trung Đông.

Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Iran cũng sẽ có tác động đến các khu vực lân cận, bao gồm cả Nam Á. Vào năm 2016, Ấn Độ và Iran đã ký một thỏa thuận đầu tư vào cảng Chabahar chiến lược của Iran và xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố cảng phía đông nam Chabahar với thành phố phía đông Zahedan và nối liền Ấn Độ với Afghanistan và Trung Á. Iran hiện cáo buộc Ấn Độ đang trì hoãn các khoản đầu tư của mình dưới áp lực của Mỹ, và đã loại bỏ Ấn Độ khỏi dự án.

Thay thế Ấn Độ bằng Trung Quốc trong một dự án chiến lược như vậy sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Nam Á và gây bất lợi cho New Delhi. Trung Quốc bây giờ có cơ hội kết nối cảng Chabahar với Gwadar ở Pakistan, một trung tâm quan trọng trong chương trình Vành đai và Con đường.

Bất luận Washington nghĩ gì, mối quan hệ Trung Quốc - Iran mới cuối cùng sẽ làm suy yếu lợi thế của Ấn Độ trong khu vực, đặc biệt nếu có Pakistan tham gia. Việc thực hiện đề xuất của Iran về việc mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan hiện hữu dọc theo các trục phía bắc, phía tây và phía nam và liên kết cảng Gwadar ở Pakistan với Chabahar, sau đó với châu Âu và Trung Á thông qua Iran bằng một mạng lưới đường sắt bây giờ càng có khả năng xảy ra hơn. Nếu kế hoạch đó được tiến hành, vòng tròn vàng bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành trung tâm của Vành đai và Con đường, kết nối Trung Quốc với Iran và tiến tới Trung Á, biển Caspi và biển Địa Trung Hải thông qua Iraq và Syria.

Vào ngày 16.7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani công bố rằng cảng Jask sẽ trở thành điểm vận tải dầu chính của nước này. Bằng cách tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của hai cảng chiến lược Jask và Chabahar, Iran đang cố gắng chuyển trọng tâm địa chiến lược từ vịnh Ba Tư sang vịnh Oman. Điều này sẽ cho phép Tehran tránh được khu vực đang căng thẳng vịnh Ba Tư, giảm khoảng cách vận chuyển cho các tàu chở dầu vận chuyển dầu của Iran và cũng cho phép Tehran đóng eo biển Hormuz khi cần thiết.

Thỏa thuận song phương mang lại cho Trung Quốc một cơ hội phi thường để tham gia vào việc phát triển cảng này. Trung Quốc sẽ có thể thêm cảng Jask vào mạng lưới các trung tâm chiến lược của mình trong khu vực. Theo kế hoạch này, các khu công nghiệp trong khu vực do các công ty Trung Quốc phát triển ở một số quốc gia vùng vịnh Ba Tư sẽ liên kết với các cảng nơi mà Trung Quốc có sự hiện diện mạnh mẽ. Mạng lưới các khu công nghiệp và cảng được kết nối với nhau này có thể thách thức thêm vị trí thống trị của Mỹ trong khu vực xung quanh eo biển Hormuz có tầm quan trọng về mặt chiến lược.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Iran và Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và vẫn có quan hệ song phương sâu rộng giữa hai cường quốc toàn cầu này, sự cạnh tranh của họ càng ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực đến mức nhiều nhà quan sát cho rằng thế giới đang tiến vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Với tầm quan trọng địa chính trị và kinh tế của khu vực Trung Đông, thỏa thuận với Iran mang lại cho Trung Quốc một lợi thế khác mà từ đó quốc gia này có thể thách thức quyền lực của Mỹ.

Trong khi đó, bên cạnh việc đảm bảo được sự tồn tại của chính mình, Tehran sẽ tận dụng mối quan hệ với Bắc Kinh để củng cố vị thế trong khu vực. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, trong khi Mỹ đang được hưởng lợi từ sự cạnh tranh và chia rẽ trong khu vực này, quan hệ đối tác Trung Quốc-Iran cuối cùng có thể định hình lại cảnh quan an ninh của khu vực bằng cách thúc đẩy sự ổn định thông qua cách tiếp cận hòa bình phát triển của Trung Quốc.

Hoàng Phương (theo FP)