Hàng xuất khẩu sang Mỹ bị dán nhãn Made in China, Hồng Kông có thiệt hại nhiều?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:55, 11/08/2020
Thông báo sẽ được công bố trên cơ quan Đăng ký Liên bang Hoa Kỳ vào ngày 11.8, cho biết hàng hóa được sản xuất tại Hồng Kông và nhập khẩu vào Mỹ phải được đánh dấu để chỉ rõ xuất xứ của chúng là Trung Quốc. Việc này sẽ bắt đầu sau 45 ngày kể từ ngày công bố trong sổ đăng ký.
Tác động thực tế của các quy định mới với thương mại hoặc nền kinh tế Hồng Kông có thể bị hạn chế vì có rất ít hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ đây sang Mỹ. Phần lớn các chuyến hàng của Hồng Kông tới Mỹ là hàng tái xuất khẩu hoặc hàng hóa đi qua lãnh thổ đặt khu này mà không có sửa đổi đáng kể.
Trong số khoảng 304 tỉ USD Hồng Kông (39 tỉ USD Mỹ) hàng xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái, chỉ khoảng 1,2% là xuất khẩu nội địa, theo dữ liệu từ Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông. Gần 80% là hàng tái xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.
Thay đổi được thực hiện do lệnh hành pháp vào tháng 7 của Tổng thống Donald Trump chấm dứt quy chế đặc biệt của Hồng Kông với Mỹ do xác định rằng “Hồng Kông không còn đủ tự chủ để chứng minh cần sự đối xử khác biệt so với Trung Quốc", thông báo cho biết.
Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt với 11 người Mỹ, trong đó có 4 thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz, Tom Cotton và Josh Hawley, để trả đũa động thái tương tự của Mỹ hôm 7.8..
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Triệu Lập Kiên nói trong ngày 10.8: "Trung Quốc quyết định áp đặt trừng phạt lên một số người đã hành xử tệ hại về các vấn đề liên quan Hồng Kồng".
Theo trang Bloomberg, lệnh trừng phạt của Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ thành viên nào trong chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Động thái trả đũa của Bắc Kinh được công bố chỉ vài ngày sau khi chính quyền Washington hôm 7.8 chính thức công bố các lệnh trừng phạt với trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cảnh sát trưởng và cựu cảnh sát trưởng Hồng Kông cùng nhiều quan chức Trung Quốc khác vì đóng vai trò trong việc "tước đi các quyền tự do chính trị tại đặc khu”. Với lệnh trừng phạt này, chính quyền Washington không chỉ đóng băng bất động sản và tài sản do 11 quan chức trên sở hữu ở Mỹ mà cấm họ làm ăn bên trong lãnh thổ nước này cũng như cấm người Mỹ làm ăn với họ.
Hôm 14.7, Reuters cho biết ông Trump ký một dự luật, đã được Quốc hội thông qua, để xử phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc thực thi luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Tổng thống Mỹ cũng thông báo đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm trừng phạt Bắc Kinh thêm nữa vì những gì mà ông gọi là "hành động áp bức" của Trung Quốc tại đặc khu hành chính Hồng Kông.
"Điều này sẽ chấm dứt việc đối xử ưu đãi thương mại mà Hồng Kông đã hưởng trong những năm qua. Không có đặc quyền, không có đối xử đặc biệt về kinh tế và không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Hồng Kông bây giờ sẽ được đối xử giống với Trung Quốc", ông Trump tuyên bố chấm dứt đối xử đặc biệt với Hồng Kồng, qua đó trừng phạt Trung Quốc
Theo thông tin của Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump gồm cả thu hồi đối xử đặc biệt với những người mang hộ chiếu Hồng Kông.
Các nhà sáng tạo video hé lộ bí kíp kiếm 93 tỉ đến 116 tỉ đồng từ TikTok
Nhân Hoàng