Vì sao Trung Quốc đáp trả yếu ớt trước lệnh cấm Huawei, TikTok, WeChat của Mỹ?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:12, 12/08/2020
Ngoài công khai phản đối và thiết lập một danh sách trừng phạt mang tính “biểu tượng”, Trung Quốc hiện chưa có một động thái trả đũa đáng chú ý nào. Các lựa chọn chế tài của Trung Quốc là hạn chế và không đủ mạnh. Song điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ thành công trong việc duy trì vị thế số một trong lĩnh vực công nghệ dài hạn.
Khi nói đến khả năng trả đũa, các mục tiêu rõ ràng nhất của Bắc Kinh có thể kể đến Apple, Intel, Qualcomm, Micron Technology, Broadcom và Boeing - những tập đoàn của Mỹ đang có doanh số bán hàng lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những thiết bị và chip của các công ty này lại rất cần thiết cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Đưa những công ty này vào danh sách trừng phạt sẽ chỉ khiến các công ty Trung Quốc tổn thương nhiều hơn.
Với Apple - đại gia công nghệ Mỹ thường được nhắc đến nhiều nhất như một mục tiêu có thể bị Trung Quốc trừng phạt, Bắc Kinh cần phải cực kỳ thận trọng vì bất kỳ hành động nào nhắm đến nhà sản xuất iPhone rất có thể kích hoạt thêm đòn trả đũa từ Mỹ.
Mỹ hiện được đánh giá có đủ nguồn lực để có thể đánh sập toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Trung Quốc. Ví dụ, việc cấm các thực thể Trung Quốc sử dụng hệ điều hành của Mỹ sẽ làm tê liệt các thiết bị công nghệ Trung Quốc, trong đó hệ điều hành Windows của Microsoft chiếm 82% thị phần tại Trung Quốc vào năm 2019.
Dẫu các nhà phát triển tại Trung Quốc đang chạy đua để tạo ra phần mềm và các lựa chọn thay thế như hệ điều hành Linux mã nguồn mở, sẽ mất thời gian để chúng thay thế các sản phẩm hiện tại, thậm chí Mỹ có thể ngắt kết nối Trung Quốc khỏi internet toàn cầu.
Có một sự thật là so với Mỹ, Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực công nghệ và vẫn tụt hậu trong hầu hết các lĩnh vực, từ chip, robot, sản xuất máy bay đến dược phẩm. Cũng có ngoại lệ, chẳng hạn như tập đoàn viễn thông Huawei dẫn đầu trong hệ thống mạng 5G. Thế nhưng ngay cả trong trí tuệ nhân tạo, gồm cả công nghệ giám sát và nhận dạng khuôn mặt, Trung Quốc chưa khẳng định được nhiều.
Bắc Kinh đang “án binh bất động” chờ đợi diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến công nghệ toàn diện, gồm cả chỉ thị các cơ quan chính phủ phải thay thế tất cả các máy tính chạy phần mềm và hệ điều hành không phải của Trung Quốc trong vòng ba năm tới.
Mùa hè năm ngoái, hai đơn vị Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ thiết lập các máy chủ riêng để đảm bảo internet ở Trung Quốc vẫn có thể hoạt động trong trường hợp có bất kỳ động thái bất thương nào từ bên ngoài. Chưa kể đến thực tế là vốn và nguồn lực khổng lồ đang được đổ vào việc xây dựng toàn bộ chuỗi công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.
Hoàng Vũ (theo Nikkei)