Làm sao để ôm nhau an toàn giữa đại dịch COVID-19?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:31, 13/08/2020

Ôm có lợi cho sức khỏe của chúng ta, nhưng điều này đã bị hạn chế bởi đại dịch COVID-19 đang lan rộng khắp thế giới. Dưới đây là cách để chúng ta ôm nhau nhưng vẫn giảm rủi ro lây lan coronavirus.
Những cái ôm sẽ ít nguy hiểm hơn nếu hai người đeo khẩu trang diễn ra thật ngắn - Ảnh: Internet

Đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội khiến cho nhiều người phải sống trong cô lập, thậm chí là đơn độc. Khát khao có được một cái ôm nồng ấm của người thân yêu là một điều chính đáng, nhưng làm sao để làm được điều đó mà không sợ bị lây nhiễm COVID -19?

Một nghiên cứu mới cho thấy khoảng 60% số người ở Mỹ cho biết họ cảm thấy thiếu thốn tình cảm trong tháng đầu tiên bị giãn cách xã hội. Trong số 60% được khảo sát, chỉ có 1/5 là người đang sống độc thân.

Tiffany Field tại Đại học Miami (bang Florida, Mỹ) và các đồng nghiệp của cô đã khảo sát 260 người trưởng thành và nhận thấy rằng những người báo cáo tình trạng thiếu "cảm giác đụng chạm" (touch deprivation) có chỉ số điểm cao hơn trong các thang đo mức độ lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ cũng như sự căng thẳng sau chấn thương.

Tình trạng thiếu cảm giác đụng chạm phổ biến hơn ở những người sống một mình, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến những người sống đang sống với gia đình hoặc bạn bè. “Chỉ có 33% số người nói rằng họ đã chạm vào người bạn đời của mình, 37% nói rằng họ hoàn toàn không chạm”, Field cho biết.

Một nghiên cứu riêng biệt trên hơn 1.000 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy những người thường xuyên ôm, hôn hoặc gặp gỡ bạn bè và gia đình trong tình trạng giãn cách thì nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm sẽ giảm xuống hơn 26%, cảm giác cô đơn cũng giảm đến 28% dù họ đang sống thử hoặc đã kết hôn.

Nhà nghiên Molly Rosenberg (Đại học Indiana tại Bloomington - Indiana University Bloomington, Mỹ) cho biết “chúng tôi đã thấy những lợi ích về sức khỏe tâm thần mạnh mẽ hơn qua các kiểu tiếp xúc có liên quan đến đụng chạm, điều này phù hợp với những lợi ích mà chúng tôi biết đến từ việc gần nhau như giảm nhịp tim, mức oxytocin cao hơn và mức cortisol thấp hơn”.

“Với những lợi ích này, liệu bạn có nên ôm vội?”, Rosenberg cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hạn chế tiếp xúc với các thành viên không phải người trong gia đình để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Trong khi đó hầu hết chính phủ nhiều nước trên thế giới tiếp tục khuyến cáo mọi người nên duy trì khoảng cách ít nhất 1 mét với những người khác.

Theo nhà nghiên cứu Linsey Marr (Đại học Tech Virginia) thì “hầu hết những cái ôm chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, dù thời gian ngắn nhưng nó thực sự quan trọng, tôi nghĩ rằng có nhiều cách để giảm rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được, đặc biệt là với lợi ích của việc ôm”.

Nhà nghiên cứu Linsey Marr đưa ra lời khuyên, khi ôm nhau nên tránh tiếp xúc trực diện, hai người nên che mặt (mang khẩu trang) và hướng mặt về phía đối diện nhưng chú ý không chạm vào mặt hoặc quần áo của người kia. “Đây không phải là một hành động tự phát bạn phải lên kế hoạch, và bạn nên yêu cầu sự đồng ý. Các cái ôm chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và có nhiều cách để giảm rủi ro", Marr nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng ôm không phải là không có rủi ro vì vậy những người thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc có bất kỳ triệu chứng bệnh tật không nên duy trì thói quen này. “Tôi tin rằng chúng ta đang ở giai đoạn nóng của đại dịch, trong đó tất cả chúng ta đều có thể tự đánh giá rủi ro của mình dựa trên những gì đã biết về vi rút và cách lây truyền của nó, sau đó hành động phù hợp”, nhà nghiên cứu David Heymann của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, Anh (London School of Hygiene & Tropical Medicine) nói.

Tiểu Vũ (theo New Scientist)