Bệnh viện Bạch Mai chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 06:19, 12/04/2020
Ngay khi Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ phong tỏa, những tràng pháo tay vui mừng, cùng những giọt nước mắt của các bác sĩ, người bệnh cũng như nhân viên y tế tại bệnh viện đã nổi lên. Trong thời điểm Bệnh viện Bạch Mai được dỡ bỏ phong tỏa, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện - chia sẻ: Bệnh viện Bạch Mai hết phong tỏa mang 2 ý nghĩa lớn.
Những tràng pháo tay vui mừng và sau đó là những giọt nước mắt
"Ý nghĩa đầu tiên là trong 14 ngày vừa rồi tất cả nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, hơn 3.200 người bệnh đều an toàn, không ai phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là điều thành công của Bệnh viện. Có thể nói chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh. Không chỉ vậy, việc dỡ bỏ phong tỏa chính là tiền đề quan trọng để Bệnh viện quay lại hoạt động bình thường, khám, chữa bệnh, chăm sóc cho bệnh nhân." - ông Tuấn nói.
Các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai vui mừng trước khoảnh khắc khi dỡ bỏ hàng rào cách ly
Ông Tuấn cho biết, trước diễn biến dịch khá phức tạp, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai không chủ quan, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống, đặc biệt là tránh lây chéo trong bệnh viện, đảm bảo an toàn cho dân đến khám, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế.
"Cảm giác của tôi lúc này vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi đơn vị đã vượt qua được chặng đường khó khăn, khi mà trong thời điểm cách ly tất cả bệnh viện vẫn phải duy trì hoạt động chuyên môn, có rất nhiều bệnh nhân nặng. Đặc biệt, bệnh viện phải lo hậu cần cho tất cả bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ lên đến hơn 3.000 người. Bình thường đây là công việc đơn giản nhưng trong thời gian cách ly hoàn toàn, gặp rất nhiều khó khăn" - ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đơn vị đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Trường Sinh.
"Bạch Mai là đơn vị nhận cung cấp hậu cần của Công ty Trường Sinh, khi phát hiện công ty này có người mắc bệnh thì toàn bộ việc cung cấp hậu cần của bệnh viện phải nhờ một đơn vị mới từ bên ngoài vào. Lúc đầu còn khá nhiều trục trặc về số lượng, chất lượng nhưng cùng với thời gian, chúng tôi đã cải thiện được điều đó từ số lượng đến chất lượng và đặc biệt không để xảy ra vấn đề mất an toàn vệ sinh", ông Tuấn bày tỏ.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng với các bác sĩ điều trị tại bệnh viện sau những ngày cách ly
Giám đốc bệnh viện cho biết thêm, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiến hành mở thầu để mời đơn vị có đầy đủ chuyên môn cũng như năng lực cung cấp thực phẩm cho Bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, ngày 20.3, Bộ Y tế công bố ca bệnh COVID-19 số 86 và 87 là nữ nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp ghi nhận thêm một số ca mắc mới. Sau đó từ ngày 28.3, cơ sở y tế lớn nhất cả nước này đã "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế trung bình hàng ngày có khoảng 100 bệnh nhân nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, cần được cứu chữa, nếu không nguy cơ tử vong rất lớn, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí cho Bệnh viện Bạch Mai được tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu. Với những ca bệnh khó, BV sẽ hội chẩn chuyên môn từ xa và sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân theo đúng quy trình.
Các cán bộ chiến sĩ khẩn trương làm nhiệm vụ gỡ rào chắn cách ly bệnh viện Bạch Mai
Ngay sau đó, đã có rất nhiều bệnh nhân "thập tử nhất sinh" được các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống. Các y bác sĩ đã rất nỗ lực, cố gắng để vừa đảm bảo chăm sóc cho bệnh nhân, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.
Sự hồi sinh của nhiều bệnh nhân trong vòng cách ly Bệnh viện Bạch Mai đã minh chứng cho quyết định sáng suốt của Bộ Y tế: giao cho Bệnh viện Bạch Mai dù bị phong tỏa, bị cách ly nhưng vẫn tiếp nhận những bệnh bệnh nhân rất nặng từ các tuyến chuyển về. Dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất, Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn khẳng định vị trí của mình trong hệ thống y tế Việt Nam.
Bài và ảnh: Thành Chung