Bác sĩ đến nhà cứu sản phụ ‘đẻ rơi’
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 13:15, 25/06/2020
Trưa 24.6.2020, khoa Cấp cứu của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long nhận được thông tin từ trạm y tế có 1 sản phụ đã sinh con tại nhà. Ngay lập tức, êkip trực cấp cứu ngoại viện sản khoa của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã nhanh chóng đến nơi.
Sản phụ là chị L.T.T.D. (SN 1996, ngụ H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã chuyển dạ sớm và “đẻ rơi” 1 bé gái nặng 2,5 kg. Em bé được cắt dây rốn, sổ nhau, vệ sinh giữ ấm ngay tại trạm y tế. Bé gái sinh non ở tuần thai 31-32 có tình trạng suy hô hấp. Sản phụ thì đang trong tình trạng huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, da niêm nhợt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, băng huyết sau sanh do tử cung co hồi kém sau sinh (hay còn gọi là đờ tử cung) dẫn đến sốc mất máu nặng.
Êkip lập tức xử trí thuốc nâng huyết áp và nhanh chóng chuyển sản phụ về bệnh viện. Theo thông tin từ gia đình, sản phụ sinh con lần 3, không thường xuyên khám thai. Sản phụ hiện đang được chăm sóc hậu sản tại khoa Sản của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, thiếu máu nặng và nhiễm trùng phải truyền máu và truyền kháng sinh. Em bé đang được được chăm sóc đặc biệt tại khoa NICU (Đơn vị chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh) của bệnh viện. Tình trạng sức khỏe của mẹ và bé đang hồi phục tốt.
Đẻ rơi là hiện tượng hy hữu xảy ra do chuyển dạ sớm. Theo các bác sĩ, nếu sản phụ không biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. Theo các bác sĩ chuyên khoa, để giảm rủi ro có thể đẻ rơi thì khi mang thai, điều quan trọng là sản phụ cần khám thai định kỳ, tầm soát nguy cơ sinh non. Bác sĩ lưu ý các dấu hiệu báo chuyển dạ như đau bụng từng cơn (gò tử cung), chằng bụng, ra nhớt hồng, có cảm giác muốn đi đại tiện... Các dấu hiệu đa dạng và đôi khi chuyển dạ diễn tiến nhanh, đặc biệt là với người đã từng sinh nở.
Do đó, khi thấy các dấu hiệu này, sản phụ cần đi khám ngay. Sản phụ cũng không nên vào bệnh viện sớm quá vì nguy cơ quá tải, nhiễm trùng, tốn kém. Tuy nhiên, chú ý nếu thấy ra nhớt hồng (máu) hay ra nước, hoặc thấy bụng khoảng 10 phút có 1 cơn gò thì nên vào bệnh viện khám ngay. Đặc biệt, khi sinh con thứ 2 trở lên, thường thì thời gian chuyển dạ sẽ nhanh hơn và sinh sớm hơn con đầu lòng.
Sản phụ chú ý không đi du lịch xa vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu cần đi công tác, du lịch… phải tìm hiểu về cơ sở y tế gần nhất, di chuyển bằng phương tiện an toàn và ít mất thời gian nhất. Luôn mang theo sổ khám thai bên mình để khi chuyển dạ thì đến bệnh viện sẽ đỡ mất thời gian hơn, bác sĩ có nhiều thông tin hơn, xử lý cũng dễ dàng hơn, đặc biệt trong những trường hợp thai kỳ có bất thường đi kèm.
Nguyễn Hồ