Ẩn ý trong chuyến đi khu tự trị Tây Tạng của Ngoại trưởng Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 12:59, 17/08/2020

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Tây Tạng, trong đó có chuyến đi tới biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng mục đích của ông Vương tới khu vực này là "gửi thông điệp" tới chính quyền Delhi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: EPA

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 15.8 đã có chuyến thăm đến khu tự trị Tây Tạng. Ông Vương cũng tới khu vực biên giới mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với Delhi tại thung lũng Galwan - nơi chứng kiến xung đột dai dẳng giữa hai nước trong suốt 3 tháng qua.

Theo tuyên bố ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đã ca ngợi những thành tựu của Tây Tạng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt là trong việc đảm bảo an ninh biên giới với Ấn Độ. Ông cũng đề cao các dự án cơ sở hạ tầng biên giới và các sáng kiến ​​xóa đói giảm nghèo trong khu vực, đồng thời cho biết Tây Tạng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với các nước láng giềng trong khuôn khổ của sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

Ông Vương hiện là quan chức cấp cao đầu tiên của chính phủ trung ương Trung Quốc đến thăm khu vực biên giới kể từ khi cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa quân đội hai nước xảy ra vào ngày 15.6 ở thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, còn Trung Quốc từ chối tiết lộ thương vong.

Chuyến đi của ông Vương diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngoại giao và 5 vòng đàm phán quân sự đã không thể phá vỡ sự bế tắc về tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước. Hiện các cuộc đụng độ ở biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đã tiến triển thành một cuộc căng thẳng ngày càng gay gắt về thương mại, công nghệ, đầu tư và địa chính trị.

Đáp trả Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh cấm ít nhất 59 ứng dụng di động Trung Quốc, gồm cả TikTok - một trong những tâm điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung gần đây. Ngoài ra, Ấn Độ tiếp tục thắt chặt các hạn chế với các công ty Trung Quốc đang tìm cách cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho chính phủ như một hình thức trả đũa kinh tế tăng cường với Bắc Kinh. Mới đây nhất, các công ty dầu nhà nước Ấn Độ đã ngừng thuê tàu chở dầu Trung Quốc để vận chuyển dầu thô và các sản phẩm của họ.

Mặc dù tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về thăm Tây Tạng của ông Vương hôm 15.8 không đề cập tới Ấn Độ nhưng giới quan sát Trung Quốc nhận định rằng đây là một động thái bất thường và mang tính biểu tượng.

"Hiếm khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tới thăm Tây Tạng. Những chuyến thăm này thường diễn ra khi khu vực đó đã trở nên nổi tiếng trong nước hoặc quốc tế. Chuyến đi của ông Vương gửi một thông điệp quan trọng cả trong lẫn ngoài nước rằng Bắc Kinh muốn nhắc lại chủ quyền của mình đối với các khu vực biên giới tranh chấp”, nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), ông Gu Su, bình luận.

Wang Dehua, chuyên gia về Ấn Độ tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định rằng chuyến thăm của ông Vương cho thấy Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu thế khi đối mặt với lập trường cứng rắn của Ấn Độ.

"Chuyến đi của ông Vương rõ ràng là để thu hút sự ủng hộ và xây dựng các chính sách đối phó hiệu quả với Ấn Độ, đặc biệt là khi New Delhi vẫn đang dao động giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù rõ ràng Trung Quốc không muốn gây chiến với Ấn Độ, nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị đầy đủ cho tất cả các loại tình huống và đó là những gì Ngoại trưởng Vương Nghị có thể đã làm ở Tây Tạng”, ông Wang Dehua nói.

Sun Shihai, một chuyên gia khác về vấn đề Ấn Độ tại Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cho biết căng thẳng biên giới và chuyến đi của ông Vương Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Tây Tạng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. “Tây Tạng từ lâu đã là một vấn đề rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh và chúng tôi phải hết sức thận trọng trước việc Ấn Độ và các chính phủ nước ngoài khác lợi dụng vị thế của Tây Tạng”, ông Sun Shihai cho hay.

Hoàng Vũ (theo SCMP)