Toan tính sâu xa của Mỹ khi bán F-16 cho Đài Loan, Trung Quốc phẫn nộ nhưng bất lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:05, 18/08/2020
Thỏa thuận được ký kết vào thứ sáu tuần trước, 14.8 trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ. Thông báo hôm 14.8 được đưa ra trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu Không quân nước này đang ký hợp đồng với Lockheed Martin để sản xuất 90 chiếc máy bay để dành bán cho nước ngoài.
Mỹ úp mở việc bán vũ khí, Trung Quốc công khai chỉ trích
Trong thông báo, không nêu tên khách hàng nước ngoài, nhưng một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng đơn đặt hàng từ Đài Loan được chính quyền Trump phê duyệt một năm trước là một phần của thỏa thuận. 24 chiếc khác dự kiến sẽ được xuất đến Ma Rốc. Dự kiến vào năm 2026, việc giao hàng sẽ hoàn thành.
Những chiếc F-16 mới, được gọi là F-16V hoặc Viper, sẽ được sản xuất tại các nhà máy của Lockheed Martin ở Greenville, Nam Carolina và Fort Worth, Texas. Chúng sẽ là những mẫu máy bay một động cơ mới nhất. Lô này sẽ tham gia cùng khoảng 140 chiếc khác đã có trong phi đội Đài Loan.
Khi được chính thức thông qua vào năm ngoái, thỏa thuận đã được cả lưỡng đảng hoan nghênh nhiệt liệt. "Việc bán các máy bay F-16 cho Đài Loan gửi một thông điệp mạnh mẽ cho cam kết của Mỹ đối với an ninh và dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Eliot Engel đến từ New York và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul đến từ Texas cho biết trong một tuyên bố chung hồi tháng 8.2019.
Thông báo cách đây một năm rơi vào thời điểm bắt đầu gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về Đài Loan. Trong một năm qua, mọi thứ chẳng những không dịu đi mà còn trở nên tồi tệ hơn với đỉnh điểm vào tuần trước khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đã đến đảo Đài Loan để hội đàm với các nhà lãnh đạo chính quyền Đài Bắc. Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong 4 thập niên qua.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách lên án chuyến thăm trong khi điều các máy bay chiến đấu vượt qua trung tuyến ở eo biển Đài Loan vốn được coi là ranh giới bất thành văn giữa Đại lục và Đài Bắc. Theo báo cáo của chính quyền Đài Loan và Mỹ, đây mới là lần thứ ba kể từ năm 1999, máy bay chiến đấu của Trung Quốc cố tình vượt qua ranh giới đó.
Sau đó, vào cuối tuần, Quân đội Trung Quốc thông báo họ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở cả cực bắc và nam của eo biển Đài Loan. Thượng tá Zhang Chunhui - phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Quân khu Miền Đông Trung Quốc cho biết: Các cuộc tập trận là "một động thái cần thiết để ứng phó với tình hình an ninh hiện tại ở eo biển Đài Loan và nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Hôm thứ bảy 154.8, trang Hoàn cầu của Trung Quốc đã đăng một bài chỉ trích về vụ bán F-16. "Mặc dù thỏa thuận đã được chính quyền Trump thông qua vào năm ngoái và việc ký kết chính thức sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra, nhưng tuyên bố của nó vào thời điểm cụ thể này được cho là một hành động khiêu khích khác của Mỹ và là một bước đi chạm ranh giới đỏ trong vấn đề Đài Loan”, đồng thời Hoàn cầu dẫn lời các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết sẽ còn nguy cơ đối đầu hơn nữa.
"Ranh giới đỏ" mà Trung Quốc nêu là bất kỳ động thái nào của Đài Loan nhằm giành độc lập khỏi Bắc Kinh.
Nhưng Drew Thompson, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang làm việc tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết: Thông báo hôm thứ sáu của Bộ quốc phòng Mỹ mang tính thủ tục nhiều hơn là khiêu khích, vì Lockheed Martin còn phải đặt hàng các nhà thầu phụ để có được các bộ phận cụ thể trong quá trình chế tạo máy bay.
Giúp eo biển cân bằng
Nhà phân tích quân sự Úc Peter Layton thuộc Viện Griffith châu Á cho biết việc bán F-16 thực sự có thể giúp ổn định tình hình Đài Loan, ít nhất là từ góc độ quân sự.
Layton nói: “Việc mua bán sẽ hành động để duy trì sự cân bằng trên không” giữa lực lượng không quân Đài Loan (ROCAF) và Trung Quốc (PLAAF).
"PLAAF có nhiều máy bay chiến đấu hơn đáng kể so với ROCAF, nhưng trong một cuộc xung đột, ROCAF sẽ phòng thủ và PLAAF tấn công. Sự khác biệt về vai trò và ROCAF sẽ hoạt động gần sân nhà (có yểm trợ từ phòng không mặt đất) để bù đắp cho sự khác biệt về số lượng".
Layton nói: “Các máy bay F-16 được bổ sung sẽ chỉ đơn giản là giữ thế cân bằng vào đầu những năm 2030”.
Trong khi Mỹ từ lâu đã cung cấp vũ khí cho Đài Loan như một phần của Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, thì Bắc Kinh thường xuyên hậm hực với những vụ mua bán đó, phản đối chúng là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Thứ hai hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập đã nhắc lại những tuyên bố đó: "Hành động này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế”.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 5.2019 cảnh báo rằng lợi thế quân sự truyền thống của Đài Loan so với Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột xuyên eo biển đang bị xói mòn do Trung Quốc không ngừng nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
Nhưng kể từ đó, chính quyền Trump đã đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, tên lửa phòng không Stinger và đầu năm nay là ngư lôi mới.
Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận yêu cầu của Đài Bắc trong việc nâng cấp tên lửa đất đối không Patriot với chi phí ước tính khoảng 620 triệu USD.
Layton cho biết việc nâng cấp tên lửa Patriot cùng với việc bán F-16 của Mỹ sẽ giữ ổn định trên eo biển Đài Loan.
Ông nói: “Việc bán Patriot và F-16V là nước đi hợp lý để hỗ trợ hệ thống phòng không của Đài Loan mà không phải đối đầu với Trung Quốc”.
Trong khi đó, Thompson cho biết F-16 sẽ là động lực nâng cao tinh thần cho các phi công Đài Loan, những người có khả năng sẽ là người đầu tiên đối đầu với PLAAF trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra.
Ông lưu ý rằng máy bay chiến đấu có thể hoạt động trong nhiều vai trò, bao gồm phóng tên lửa chống hạm, tiêu diệt radar của đối phương, cũng như trong các cuộc chiến không đối không.
"Đây là một chiếc máy bay rất cơ động. Nó nhỏ, nhanh nhẹn và dễ bay. Các phi công rất thích nó", Thompson nói. “Và mặc dù nó không phải là máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng nó có tiết diện radar nhỏ hơn các phiên bản F-16 trước, giúp nó khó bị khóa mục tiêu hơn”.
Meia Nouwens, nhà nghiên cứu về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết thỏa thuận này cũng đặt ra cho Đài Bắc lỗ hổng cần phải lấp đầy: đào tạo phi công.
Bà nói: "Việc bán máy bay này sẽ yêu cầu Đài Loan tuyển thêm 107 phi công. Và trong 9 năm qua, Đài Loan mới chỉ tăng thêm 21 phi công F-16"
Thompson nói, việc hoàn tất thương vụ cũng không khiến Bắc Kinh khó chịu hơn với Đài Bắc mà cũng như trong các vụ mua bán vũ khí trước đây, "Trung Quốc không trừng phạt Đài Loan. Trung Quốc tìm cách trừng phạt Mỹ", ông nói.
Anh Tú (theo CNN)