Lượng rác thải nhựa ở Đại Tây Dương cao gấp 10 lần so với ước tính
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 20/08/2020
Một nghiên cứu được công bố ngày 18.8 trên Nature Communications cho thấy lượng rác thải nhựa lơ lửng bên dưới bề mặt của Đại Tây Dương ngày nay có thể cao hơn tổng lượng rác thải ước tính đã đổ về đại dương này từ năm 1950. Nghiên cứu một lần nữa chỉ ra rằng thế giới cần phải nhanh chóng đánh giá chính xác hơn về lượng rác thải nhựa trên đại dương.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước biển trong chuyến thám hiểm Đại Tây Dương từ tháng 9 đến tháng 11.2016. Họ đã tiến hành phân tích mẫu nước ở ba độ sâu khác nhau trong vùng nước dưới mặt nước biển 200 mét và phát hiện các hạt vi nhựa bằng kỹ thuật hình ảnh quang phổ hiện đại. Sau đó, họ đánh giá mật độ của 3 loại rác thải nhựa đại dương gồm polyethylene, polypropylene và polystyrene.
Từ các phép đo, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy từ 12 - 21 triệu tấn hạt siêu nhỏ của ba loại nhựa phổ biến này, trong khoảng 5% đại dương. Điều đó cho thấy ở Đại Tây Dương có khoảng 200 triệu rác thải dưới dạng các hạt vi nhựa này. Ước tính trước đây dựa trên các tính toán về lượng rác thải đô thị được quản lý ở các vùng ven biển, cho biết tổng cộng từ 17 - 47 triệu tấn nhựa đã được thải ra Đại Tây Dương trong 65 năm từ 1950 - 2015.
Các nhà khoa học đã tìm thấy từ 12 - 21 triệu tấn hạt siêu nhỏ của ba loại nhựa phổ biến trong khoảng 5% đại dương - Ảnh: The Guardian
Giáo sư Richard Lampitt từ Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh (NOC), đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nếu giả định rằng nồng độ vi nhựa đo được trong nước ở độ sâu khoảng 200 mét là đại diện cho nồng độ trong vùng nước biển với độ sâu trung bình khoảng 3.000 mét, thì Đại Tây Dương có thể chứa khoảng 200 triệu tấn rác thải nhựa dưới dạng hạt”.
Giáo sư Lampitt nói thêm: “Để xác định mối nguy hiểm của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, chúng ta cần ước tính chính xác về số lượng và đặc tính của vật liệu này, cách nó xâm nhập vào đại dương, cách nó phân hủy và nồng độ độc hại như thế nào. Bài báo này chứng minh các nhà khoa học đã hiểu biết không đầy đủ về những yếu tố đơn giản nhất, đó là số lượng của chúng. Có vẻ như ước tính của chúng ta về lượng rác thải ra đại dương đã thấp hơn nhiều so với thực tế”.
Nhà nghiên cứu Katsiaryna Pabortsava đến từ NOC và là tác giả chính của bài báo phân tích: “Trước đây, chúng tôi không thể cân bằng khối lượng nhựa trôi nổi quan sát được với khối lượng mà chúng tôi ước tính đã đổ về đại dương này từ năm 1950. Điều này là do các nghiên cứu trước đó không đo nồng độ của các hạt vi nhựa bên dưới bề mặt đại dương”.
“Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên thực hiện điều này trên toàn bộ Đại Tây Dương, từ Vương quốc Anh đến quần đảo Falkland”, bà Pabortsava nói thêm.
Ước tính hiện nay là khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra Đại Tây Dương mỗi năm, gây ra những tác hại chưa lường hết với chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, vốn là nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Dù rác thải nhựa vẫn có thể tái chế nhưng tới nay các chính sách quản lý đã không phát huy hiệu quả để ngăn chặn dòng rác thải nhựa tiếp tục đổ về đại dương.
Long Hải (theo The Guardian)