'TikTok vẫn trả lương cho nhân viên dù bị cấm tại Ấn Độ và hoạt động ở Mỹ dài lâu'
Thế giới số - Ngày đăng : 00:15, 22/08/2020
Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance, công ty mẹ của TikTok sau 45 ngày tới. Theo đó, người Mỹ không được thực hiện giao dịch kinh doanh với TikTok từ sau ngày 20.9. Điều đó có nghĩa là TikTok sẽ bị đóng cửa nếu không bán lại cho công ty Mỹ.
Ngày 14.8, ông Trump ban hành lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngày (tức sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ) hoặc ứng dụng này bị cấm, theo gợi ý của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).
Mới đây, bà Vanessa Pappas cho biết TikTok sẽ tiếp tục hoạt động tại Mỹ dù điều gì xảy ra, trong bối cảnh lệnh cấm của chính quyền Trump đe dọa việc kinh doanh của họ.
Không riêng ByteDance, Nhà Trắng đã ban hành các lệnh hạn chế với các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc khác như Huawei và Tencent.
“Chúng tôi tin rằng có nhiều con đường phía trước để đảm bảo rằng chúng tôi tiếp tục cung cấp trải nghiệm ứng dụng tuyệt vời này cho hàng triệu người Mỹ sử dụng nó mỗi ngày”, bà Vanessa Pappas nói hôm 20.8 trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Là Tổng giám đốc của TikTok tại Mỹ, Canada, New Zealand và Úc, Vanessa Pappas cho hay: “Chúng tôi đã nói rõ rằng hoàn toàn không đồng ý với kết luận của CFIUS và chúng tôi chắc chắn thất vọng về kết quả đã thấy ở đó. Chúng tôi vẫn chưa được cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để chứng thực những lời tuyên bố và khẳng định đó”.
Trong khi đó, các nhân viên đang hằng ngày theo dõi các báo cáo về việc ai có thể mua bộ phận hoạt động TikTok ở Mỹ và trở thành chủ nhân mới của họ. Microsoft xác nhận muốn mua TikTok ở Mỹ, Canada, New Zealand và Úc vào ngày 2.8, nhưng Oracle và Twitter cũng tham gia cuộc đua này.
Trước khi kêu gọi ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ, ông Trump đã ra lệnh cho người Mỹ ngừng kinh doanh với công ty Trung Quốc này từ sau ngày 20.9. Các nhân viên người Mỹ của TikTok thắc mắc rằng khi lệnh cấm có hiệu lực thì họ có được nhận lương nữa không? Liệu người lao động nước ngoài có bị mất thị thực, qua đó ảnh hưởng đến quyền sống và làm việc ở Mỹ của họ?
Vanessa Pappas từ chối bình luận về các cuộc đàm phán mua bán TikTok nhưng cho biết đã cố gắng cung cấp cho nhân viên nhiều diễn đàn để bày tỏ nỗi sợ hãi và lo ngại của họ một cách công khai, gồm cả các phiên họp hàng tuần tại tòa thị chính, nơi bà trả lời các câu hỏi ẩn danh từ 1.500 nhân viên ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Vanessa Pappas khẳng định công ty chưa thấy bất kỳ đợt di tản nào của nhân viên và nhắc đến Ấn Độ, nơi ByteDance tiếp tục trả lương cho nhân viên bất chấp lệnh cấm với TikTok ở nước này từ hôm 29.6.
“Chúng tôi đang ở trong thời kỳ vô cùng hỗn loạn. Vì vậy, thông điệp của chúng tôi thực sự là hãy tập trung vào những thứ mà bạn có thể kiểm soát. Với việc trả tiền lương, cam kết của chúng tôi một lần nữa đã được kiên định. Chúng tôi đã không dao động trong lời cam kết với người dùng hoặc nhân viên của mình rằng chúng tôi tin rằng ở đây lâu dài", Vanessa Pappas chia sẻ.
‘
‘
Nhân Hoàng