Rừng Amazon tiếp tục cháy dữ dội trong năm 2020 và Trái đất đang nóng dần

Hồ sơ - Ngày đăng : 12:58, 22/08/2020

Tổng thống Brazil từng tuyên bố: “Việc rừng Amazon đang cháy là một lời nói dối”, ngay cả khi khói từ hơn 1.100 đám cháy bốc lên khắp khu vực lúc ấy.
Cháy rừng Amazon là vấn đề nghiêm trọng của toàn thế giới - Ảnh: AP

Vào tháng 8 năm ngoái, khu rừng xung quanh thị trấn Novo Progresso đã bắt đầu bùng cháy. Đây là trận cháy lớn đầu tiên trong mùa khô tại rừng Amazon ở Brazil, nơi cuối cùng đã chứng kiến hơn 100.000 đám cháy.

Lời hứa sau khi bị chỉ trích

Nhưng nỗ lực của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong việc giảm các biện pháp bảo vệ môi trường để thúc đẩy phát triển kinh tế cùng với nạn phá rừng gia tăng đã khiến cả thế giới phẫn nộ. Một số nguyên thủ quốc gia của châu Âu phản đối Bolsonaro hoặc đề nghị rút vốn và các nhà lập pháp của EU đã đe dọa sẽ từ chối phê chuẩn các thỏa thuận thương mại tự do mà Brazil đã dành hai thập kỷ để đàm phán. Các nhà xuất khẩu kinh doanh nông sản của Brazil đang lo sợ bị tẩy chay và các nhà quản lý đất đai đang cân nhắc việc thoái vốn khỏi các công ty Brazil.

Năm nay, Bolsonaro cam kết sẽ kiểm soát việc đốt phá rừng, thường do nông dân địa phương bắt đầu để lấy đất chăn gia súc hoặc trồng trọt. Ông Bolsonaro, một người ủng hộ nhiệt liệt việc tạo ra thêm nhiều nông trại và trang trại tại Amazon, cũng đã phải ban hành lệnh cấm trong vòng 4 tháng đối với các vụ đốt phá, yêu cầu quân đội ngăn chặn và trực chiến với các đám cháy.

Dù vậy, trong tuần này, khói lại bốc lên dày đặc xung quanh Novo Progresso. Theo báo cáo của cảnh sát địa phương, nhiều người lái xe đã gặp tai nạn vì họ không thể nhìn thấy đường đi.

Theo AP, Tổng thống Bolsonaro đang thực hiện những hành vi trái ngược với lời ông đã nói. Ông ấy đã chấp thuận cho một chiến dịch do quân đội khởi xướng để chống lại sự tàn phá của rừng Amazon vào tháng 5, nhưng sau đó, ông ấy lại phủ nhận việc cây cối trong khu vực có thể bắt lửa. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh qua video về rừng Amazon với các nhà lãnh đạo Nam Mỹ, ông cũng quảng bá rằng số liệu rừng bị mất vào tháng 7 đã giảm so với cùng kỳ năm trước, giấu nhẹm đi thực tế rằng đây vẫn là con số cao thứ ba trong tất cả các tháng kể từ năm 2015.

Ông tuyên bố: “Việc rừng Amazon đang cháy là một lời nói dối”, ngay cả khi khói từ hơn 1.100 đám cháy đã bốc lên khắp khu vực vào ngày hôm đó. Vào thứ Hai và thứ Ba của tuần này, các phóng viên của hãng thông tấn Associated Press hoàn toàn không nhìn thấy một người lính nào xuất hiện xung quanh Novo Progresso.

Năm nay cháy không giảm ở Amazon

Và năm nay có thể còn có nhiều đám cháy hơn năm ngoái, theo Paulo Barreto, một kỹ sư rừng và nhà nghiên cứu nạn phá rừng tại tổ chức bảo vệ môi trường Amazon.

Vào đầu mùa khô của rừng Amazon, đó là vào tháng 7, càng có nhiều cây cối bị chặt hơn trước. Nạn phá rừng từ tháng 8.2019 đến tháng 7 năm nay đã tăng 34% so với 12 tháng trước, theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan vũ trụ của Brazil. Thông thường sau khi chặt hạ, bước tiếp theo là họ sẽ đốt rừng, thường là không qua sự cho phép của chính quyền. Với họ đây là cách dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với việc sử dụng máy móc hạng nặng để dọn sạch cỏ và cây cối. Ngoài ra, diện tích rừng bị suy thoái do khai thác gỗ - vốn dễ gây cháy rừng hơn nhiều so với rừng bản địa - đã tăng 465%, Barreto nói.

Tháng 8 và tháng 9 là lúc quá trình đốt phá rừng diễn ra dữ dội. Và trong nửa đầu tháng 8, các vệ tinh đã phát hiện gần 19.000 đám cháy trên khắp rừng Amazon, khiến tháng này có chiều hướng sẽ đạt được số lượng các vụ cháy đã diễn ra vào tháng 8 năm ngoái.

Carlos Nobre, một nhà khí hậu học nổi tiếng cho biết rừng Amazon đã mất khoảng 17% diện tích ban đầu và với tốc độ hiện tại, sẽ đạt tới đỉnh điểm trong vòng từ 15 đến 30 năm tới. Nobre, nhà khoa học cấp cao của Đại học Sao Paulo, cho biết khi phân hủy, khu rừng sẽ thải ra hàng trăm tỷ tấn carbon dioxide vào khí quyển, khiến việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu theo Thỏa thuận Paris trở nên “vô cùng khó khăn”.

Ông nói thêm rằng các dấu hiệu của sự thay đổi đang xuất hiện: Mùa khô ở 1/3 phía nam của rừng Amazon - nơi Novo Progresso tọa lạc - đã kéo dài gần 4 tháng, tăng lên từ 3 tháng trong những năm 1980. Khí hậu nơi đây cũng trở nên nóng hơn.

Các chuyên gia cho biết các trận cháy đang đẩy khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đến bước đường cùng. Hậu quả là khu rừng sẽ không thể tạo ra đủ lượng mưa để duy trì hệ sinh thái và khoảng 2/3 diện tích rừng sẽ bắt đầu suy giảm không dừng, kéo dài hàng thập kỷ và trở thành rừng xavan nhiệt đới.

Hy vọng nào vào tương lai?

Năm nay, Bolsonaro đã điều động quân đội đến trước mùa khô, vào tháng 5 - nhưng Phó tổng thống Hamilton Mourão nói rằng việc triển khai quân đội là đã quá muộn để kiềm chế nạn phá rừng năm 2020. Tuy nhiên, cái gọi là Chiến dịch Xanh Brazil 2 sẽ làm giảm các đám cháy, theo Mourão, người đứng đầu chiến dịch.

Mười một cơ quan chính phủ đang phối hợp hoạt động, bao gồm 3.400 binh sĩ và 269 đặc , những người đã nộp 442 triệu reais (82 triệu USD) tiền phạt và thu giữ khoảng 700 máy cưa xích và 28.000 mét khối (36.600 mét khối) gỗ, cũng như hơn 500 tàu thuyền và 200 ô tô, theo Bộ Quốc phòng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc này cho đến cuối năm 2022 hoặc cho đến khi các nhóm phá rừng nhận ra rằng họ không thể làm điều này được nữa”, Mourão, một tướng về hưu, cho biết vào tháng trước.

Không thể biết được liệu những nỗ lực này đã đủ để làm dịu phản ứng dữ dội trên toàn cầu hay không. Izabella Teixeira, người từng là Bộ trưởng môi trường trong chính phủ của Đảng Công nhân cánh tả, nói với hãng thông tấn AP rằng chính phủ vẫn chưa chứng minh được rằng họ đã thay đổi lập trường đối với rừng Amazon.

“Chính phủ đang bắt đầu một chính sách mới”, bà nói. Liệu chính sách này có đáng tin cậy, liệu nó có hoạt động hiệu quả và lâu dài hay không, chúng tôi sẽ cần đánh giá trong 12 tháng tới”.

Hoàng Phương (theo AP)