Cách tiếp cận của ông Biden về vấn đề Triều Tiên
Quốc tế - Ngày đăng : 10:00, 23/08/2020
Tổng thống Donald Trump đầu tháng 8 tuyên bố sẽ rất nhanh chóng đạt thỏa thuận với Triều Tiên nếu tái đắc cử trong tháng 11 tới. Tuy nhiên, giới chức Bình Nhưỡng lại nói rằng dù quan hệ Trump - Kim vẫn rất tốt nhưng họ phải tính toán đến kịch bản Mỹ có tổng thống mới.
Năm ngoái Triều Tiên từng đưa ra lời lẽ gay gắt với ông Biden vì gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là kẻ độc tài tàn bạo. Hãng thông tấn KCNA thời điểm đó mô tả vị chính trị gia người Mỹ là “xảo quyệt và trục lợi” và “như loài chó dại” có thể gây nguy hiểm cho nhiều người.
Đầu năm nay, ông Biden khẳng định sẽ không gặp nhà lãnh đạo Kim trừ phi Triều Tiên đáp ứng một số điều kiện tiên quyết. Hãng Reuters dẫn lời một cố vấn chính sách cho chính trị gia này nhận định thời kỳ trao đổi thư qua lại (giữa hai ông Trump - Kim) chắc chắn kết thúc nếu ông Biden đắc cử.
Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, ông Biden tỏ rõ ý định không tiếp tục nỗ lực ngoại giao cá nhân, đồng thời đánh giá những hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch viễn vong chỉ hiệu quả khi đi đôi với một chiến lược phi hạt nhân hóa thực tế.
Đồng minh và đối tác
Theo vị cố vấn chính sách giấu tên, ông Biden sẽ không đóng sầm cánh cửa ngoại giao mà chỉ từ bỏ cách tiếp cận đàm phán ở cấp cao nhất, trao quyền lại cho đội ngũ ngoại giao cấp dưới và theo đuổi chiến lược phối hợp với đồng minh lẫn đối tác nhằm vừa gây sức ép vừa khuyến khích Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Từng là Phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama, chính sách của ông Biden nhiều khả năng có nét tương đồng với cách tiếp cận “kiên nhẫn” mà ông Obama áp dụng: tìm cách cô lập Triều Tiên, không đưa ra “phần thưởng” ngoại giao cho những hành động khiêu khích.
Cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc Chang Ho-jin cho biết: “Nhiều cố vấn trong đội ngũ ông Biden ủng hộ cách tiếp cận “kiên nhẫn” - ủng hộ phối hợp với đồng minh và chính sách đối ngoại kiểu chính thống. Triều Tiên sẽ không phải lo hành động quân sự khó đoán như Tổng thống Trump từng đe dọa, nhưng vòng vây cô lập sẽ siết chặt hơn”.
Mỹ tăng cường phối hợp với đồng minh có thể lại là điều xấu cho Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in lâu nay chủ trương hòa giải, nới lỏng trừng phạt cho quốc gia láng giềng.
Nguy cơ Triều Tiên thực hiện hành động khiêu khích
Khi ông Biden còn giữ chức Phó tổng thống, Triều Tiên đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong chương trình phát triển vũ khí: thử nghiệm thành công bom hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay lẫn tên lửa đủ sức tấn công bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ.
Theo cựu quan chức Mỹ từng phụ trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Evans Revere, chính quyền Biden sẽ xem trọng tiếng nói của cộng đồng kêu gọi kiểm soát vũ khí hơn và cân nhắc chấp nhận xem Triều Tiên như một thế lực hạt nhân - tạo điều kiện áp dụng chính sách cứng rắn với quốc gia Đông Bắc Á.
“Nếu ông Biden đắc cử, Triều Tiên vào năm 2021 có thể tiến hành thử hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa hòng gửi thông điệp cảnh báo đến tân chính quyền Washington”, ông Revere dự đoán.
Cẩm Bình (theo Reuters)