Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tăng tốc chiến lược thách thức Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 07:27, 27/08/2020
Ông Esper viết: “NDS điều chỉnh những nỗ lực của chúng tôi để thích ứng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm cạnh tranh với các cường quốc, trong đó Trung Quốc là trọng tâm chính của chúng tôi”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc muốn định hình trật tự thế giới thông qua quân đội. Ông Esper viết: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi quân đội là trung tâm để đạt được các mục tiêu của họ. Nổi bật trong số này là định hình lại trật tự quốc tế theo cách phá hoại các quy tắc được chấp nhận trên toàn cầu”. Đồng thời, ông cho rằng Bắc Kinh toan tính dùng quân đội để hiện thực hóa chủ nghĩa bá quyền, tạo điều kiện cho phép Bắc Kinh o ép các nước khác và cản trở chủ quyền của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông sẽ đến Thái Bình Dương trong tuần này để gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại khu vực, với các điểm dừng ở Hawaii, Palau và Guam.
Chuyến dừng chân của Esper ở Hawaii cùng thời điểm Mỹ kết thúc cuộc tập trận RIMPAC hai năm một lần ở Hawaii. Bình thường, đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, nhưng năm nay phải thu hẹp quy mô với chỉ 10 quốc gia tham gia do đại dịch COVID-19.
Vào tháng 7, Bộ trưởng Esper cũng cho biết các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ (trong đó có việc điều các tàu chiến Mỹ tiến gần các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng), đã ở mức kỷ lục vào năm ngoái. Năm 2020, Mỹ tiếp tục duy trì tần suất như vậy.
Tuyên bố của Esper được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ tổ chức các cuộc tập với sự hiện diện của hai nhóm tấn công tàu sân bay ở Biển Đông.
Không quân Mỹ gần đây cũng đã gia tăng hoạt động xung quanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Họ đã điều 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 đến một căn cứ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và điều máy bay ném bom B-1 tới Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Vào ngày 17. 8, Lực lượng Phòng không Thái Bình Dương của Mỹ đã thông báo về việc các máy bay B-1, B-2; các máy bay chiến đấu của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ; các máy bay của Lực lượng Phòng không Nhật Bản cùng tham gia tập trận trong 24 giờ.
Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố: "Các nhiệm vụ này cho thấy khả năng của Bộ chỉ huy tác chiến Không quân trong việc triển khai các phương án tấn công tầm xa, mọi lúc, mọi nơi”.
Trung Quốc tỏ ra lo lắng với hoạt động không quân của Mỹ, đặc biệt là trên Biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn Tân Hoa xã vào đầu tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Washington đã thực hiện 2.000 chuyến bay quân sự trên Biển Đông trong nửa đầu năm nay, tức là tỷ lệ gần 11 chuyến một ngày.
Các quan chức Mỹ không xác nhận những con số đó. Thiếu tướng Randy Ready, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết: "Không có thay đổi đáng kể nào đối với các hoạt động quân sự của chúng tôi trong hoặc xung quanh Biển Đông. Mặc dù tần suất và phạm vi hoạt động của chúng tôi thay đổi tùy theo môi trường từng thời điểm, nhưng Mỹ có sự hiện diện quân sự bền bỉ và thường xuyên hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm cả các vùng biển và vùng trời xung quanh Biển Đông, giống như chúng tôi thực hiện từ hơn một thế kỷ".
A.T (theo CNN)