Mỹ trừng phạt 24 công ty Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo trên Biển Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 27/08/2020
Danh sách đen, còn được gọi là Danh sách thực thể, đã trở thành công cụ yêu thích của chính quyền Trump để trấn áp Trung Quốc. Hiện danh sách này đã có khoảng 300 thực thể Trung Quốc
Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan duy trì danh sách, trước đây đã sử dụng nó để chống lại công ty viễn thông Huawei và chống lại các thực thể Trung Quốc tham gia vào các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Điều đó vốn khiến Trung Quốc rất phẫn nộ.
Lệnh trừng phạt thương mại cấm các công ty Mỹ không được xuất khẩu sản phẩm đến các đối tượng trong danh sách đen khi chưa có giấy phép của chính phủ. Các thực thể mới nhất được liệt kê gồm cả các nhà thầu quốc phòng thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc tham gia làm ăn với Mỹ. Theo các quan chức Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ cho các công ty này lên tới 5 triệu đô la trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ có tác động rộng hơn bằng cách không răn đe các quốc gia khác không tham gia với các công ty trong danh sách đen dưới bóng chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Chương trình trên của Trung Quốc có mảng xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển.
Các công ty mới được liệt kê, bao gồm Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Chúng là những nhà thầu lớn trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Tham gia lĩnh vực xây dựng cầu, đập và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên khắp thế giới, các công ty Trung Quốc đã bị quốc tế chỉ trích vì khiến các nước phải gánh nợ quá nhiều.
Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố hôm qua: Ở Biển Đông, các công ty đã giúp Bắc Kinh nạo vét và xây dựng hơn 3.000 mẫu đảo nhân tạo, triển khai tên lửa chống hạm và các thiết bị quân sự khác.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc đã sử dụng các đảo này để khẳng định (đơn phương) các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và “bắt nạt” các nước khác trong khu vực trong việc khai thác hải sản và tài nguyên, đồng thời gọi hành động của Trung Quốc là “hoàn toàn trái pháp luật”.
Ngoài việc liệt kê các công ty, Mỹ hôm thứ tư cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với giám đốc điều hành tại các công ty đó và đối với các cá nhân khác chịu trách nhiệm về việc bồi đắp đảo.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua cũng tuyên bố: “Trung Quốc “không được phép sử dụng CCCC và các doanh nghiệp nhà nước khác làm vũ khí để áp đặt một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa bành trướng. Hoa Kỳ sẽ hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh ngừng các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc chống lại hoạt động gây bất ổn này”.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố: Các thực thể được chỉ định hôm nay đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Trung Quốc khiêu khích xây dựng các đảo nhân tạo này và họ phải chịu trách nhiệm”,
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Mỹ gọi các động thái này là "một hành động bá quyền vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế".
Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ ngay lập tức rút lại quyết định sai lầm của mình và ngừng làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và phá hoại quan hệ Trung Quốc-Mỹ”.
Trang Washington Post cho biết họ không thể liên hệ với các công ty Trung Quốc để tìm hiểu phản ứng.
Anh Tú