Trung Quốc và tư duy 'thiên triều' lỗi thời
Hồ sơ - Ngày đăng : 10:13, 28/08/2020
Trung Quốc và Ấn Độ đã có căng thẳng biên giới tại khu vực tranh chấp ở Ladakh. Trong giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm hồi tháng 4, đại sứ của Trung Quốc tại Ấn Độ nói: “Đừng bao giờ để sự khác biệt làm lu mờ quan hệ của chúng ta”. Ông ta cũng sử dụng cụm từ đầy khuôn sáo của Bắc Kinh: “chung sống hài hòa”.
Cùng thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nói với các tướng lĩnh rằng “cần phải đẩy mạnh chuẩn bị cho chiến đấu vũ trang”. Ông Tập dường như ám chỉ đến căng thẳng gia tăng với Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Hồng Kông, Đài Loan và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng tuyên bố này cũng đại diện cho suy nghĩ hiện tại của nhà cầm quyềnTrung Quốc (CPC).
Để biết được tư duy lối suy nghĩ đó, người ta phải hiểu “chung sống hài hòa” kiểu Trung Quốc có nghĩa là gì và nghiên cứu khái niệm “thiên hạ” của Trung Quốc. Không giống như Ấn Độ, nền pháp chế hiện đại của Trung Quốc phần nào dựa trên những bài học từ lịch sử hàng thiên niên kỷ đầy mưu kế. Giờ có thay đổi nhưng cũng chẳng nhiều lắm.
Được sử dụng lần đầu tiên bởi triều Chu (1045-256 TCN), "thiên hạ" tạm dịch là "tất cả dưới gầm trời" cùng tồn tại một cách hài hòa. Thiên hạ được ông trời ban tặng cho thiên tử , lấy triều đình nhà Chu làm trung tâm, mở rộng quyền lực ra tới các nước triều cống và chư hầu xung quanh. Hoàng đế là “con trai của trời”, đã nhận được “mệnh trời”. Mặc dù trên thực tế sẽ có những nơi trên thế giới không nằm dưới sự kiểm soát của triều đình Trung Quốc, nhưng trong lý thuyết chính trị của Trung Quốc, những người cai trị những vùng đất đó cũng là chư hầu của "thiên triều".
Chỉ đến năm 1858, trong Hiệp ước Thiên Tân, khi Trung Quốc bại trận sau Chiến tranh nha phiến lần thứ hai, nước này mới thừa nhận một quốc gia khác - nước Anh, là một "quốc gia có chủ quyền" ngang hàng. Thiên hạ đã kết thúc. Trung tâm của thế giới đã dời đi. Từ năm 1839, thời điểm bắt đầu cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, đến năm 1949, khi Mao Trạch Đông nắm chính quyền, được gọi là "thế kỷ hổ thẹn" trong lịch sử Trung Quốc.
Và sau đó, Trung Quốc bắt đầu "cuộc chạy marathon 100 năm" để nuôi khát vọng làm bá chủ toàn cầu sẽ định hình lại thế giới theo các giá trị của Trung Quốc. Khát vọng đó được ông Tập đặt tên là "giấc mơ Trung Hoa" với mục tiêu hoàn thành vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập CHND Trung Hoa.
Năm 2005, học giả Triệu Đinh Dương ra mắt tác phẩm Hệ thống thiên hạ, trong đó giới thiệu về triết lý của một thể chế thế giới. Lý thuyết mà ông Triệu xây dựng (và được mở rộng trong các cuốn sách tiếp theo) đã biến ông trở thành triết gia đương đại có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc. Trong thế giới ngày nay, Triệu Đinh Dương chỉ nhìn thấy sự hỗn loạn do các lý thuyết chính trị phương Tây gây ra và nhân loại bị chia cắt bởi các quốc gia. Ông Triệu kêu gọi một trật tự thế giới mới, trong đó “các lĩnh vực vật lý, tinh thần và tư tưởng chính trị đều hòa quyện với nhau”. Triệu Đinh Dương khẳng định: “Thiên hạ giờ đây là hoàn toàn cần thiết vì mang cả thế giới lại với nhau dưới một mái nhà … để loại bỏ mọi ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài mà từ đó dẫn đến xung đột”.
Ông Triệu khẳng định việc coi thường quần chúng là "ích kỷ, vô trách nhiệm và ngu ngốc" và sẽ không được tin tưởng để hành động vì lợi ích thế giới. Trên cơ sở đó, ông Triệu khẳng định: "Tìm cách tối đa hóa lợi ích bản thân... chỉ là công thức dẫn đến xung đột bất tận gây tổn hại cho tất cả mọi người".
Nhìn qua về trật tự thế giới hoàn hảo của Triệu Đinh Dương, cũng có thể thấy rằng trong đó, không có quyền tự do cá nhân và “lợi ích tập thể” sẽ đè lên khát vọng và ước mơ của một công dân. Tinh thần đại đồng một cách ám ảnh đó sẽ là ác mộng cho bất kỳ ai không muốn nằm trong đó.
Bây giờ hãy nghĩ đến sáng kiến Vành đai và Con đường có thể biến hàng chục quốc gia thành nước chư hầu thông qua bẫy nợ và chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển từ Thượng Hải đến tận Sudan. Đây là con đường dẫn đến “Thiên hạ”. Và thuật ngữ “đại đồng”, mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng để mô tả mục tiêu của họ, có thể được dịch là “kỷ nguyên hòa hợp” và “kỷ nguyên thống trị đơn cực”. Hiện tại, khi đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ trong và ngòai nước, giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể suy tính một số nước đi mạo hiểm đơn phương trên bàn cờ toàn cầu.
Nhưng trò chơi có thể không theo ý Trung Quốc. Khi Trung Quốc khuyến cáo với các thành viên quốc hội Brazil rằng họ không nên chúc mừng người đứng đầu Đài Loan tái đắc cử, thì kết quả ra sao? Người dân Brazil đã phản ứng bằng cách đưa #VivaTaiwan trở thành hashtag Twitter thịnh hành số 1 ở Brazil và số 1 luôn ở thế giới. Bắc Kinh đã nổi giận nhưng xứ sở Samba đâu lùi bước.
Thậm chí gần đây, Somalia thiết lập ngoại giao với Đài Loan, rồi 90 thành viên từ Quốc hội CH Czech đi thăm Đài Loan, Mỹ ngày càng gây áp lực với Trung Quốc không chỉ ở eo biển Đài Loan mà còn vấn đề Tân Cương, Tây Tạng. Trung Quốc cần phải học cách chung sống hài hòa theo chuẩn mực thế giới chứ không phải theo chuẩn mực “thiên hạ” dưới chân mình.
Anh Tú