Hai bệnh viện hợp sức cứu thai nhi có khối u khổng lồ
Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:14, 28/08/2020
Hy hữu thai nhi bị dây rốn quấn 4 vòng quanh cổ
Một thai nhi mắc hội chứng người cá!
Suýt mất mạng cả mẹ và thai nhi do cãi bác sĩ, học đòi sinh thuận tự nhiên
Thai nhi trên là con thứ 3 của sản phụ Nguyễn Thị L. (34 tuổi). Sản phụ L. khám thai định kỳ tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nhưng đến tuần thứ 20 của thai kỳ các bác sĩ phát hiện thai có u lớn vùng cổ mặt nghi Teratoma, kèm theo tình trạng tim lớn hơn bình thường.
Sau khi tiến hành chọc ối, các bác sĩ phát hiện vi lặp đoạn NST 8. Các bác đã tư vấn cho người nhà về tình trạng thai nhi, nhưng gia đình vẫn quyết định giữ thai với hy vọng kỹ thuật y học hiện đại sẽ có thể giúp được cháu bé.
Đến tuần thứ 34, tình trạng thai nhi xuất hiện diễn tiến nguy hiểm: đa ối nặng, chậm tăng trưởng. Các bác sĩ tiến hành chụp MRI đã xác định Teratoma kích thước lớn, lên đến 108mm x 88mm x 72mm xâm lấn cằm, sàn miệng, vùng mặt 2 bên vào khoang cạnh hầu, khoang cảnh 2 bên, khoang sau hầu, lan xuống trung thất trên, bao quanh các mạch máu lớn trung thất nghi ngờ chèn ép khí quản.
Bác sĩ Nguyễn Vạn Thông - Trưởng khoa Di truyền y học, Bệnh viện Hùng Vương cho biết đây là một bệnh lý rất hiếm gặp trên thế giới. Việc thực hiện ca mổ cứu sống thai nhi này rất phức tạp, vì bé bị chén ép đường thở nên nguy cơ tử vong ngay sau mổ rất cao.
Trước tình hình đó, Bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành hội chẩn liên viện với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Sau đó, các bác sĩ đã quyết định định mổ lấy thai, chuẩn bị thực hiện thủ thuật EXIT nếu cần thiết để cứu sống em bé.
“Ca mổ bắt đầu lúc 11 giờ 38 ngày 27.8.2020 do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm của Khoa Sản, Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Hùng Vương) và các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố thực hiện. Cuộc mổ diễn ra rất gay cấn, nhưng cuối cùng các các bác sĩ đã đưa thành công 1 bé gái cân nặng 2.260gr ra khỏi bụng mẹ. Ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, bé được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp tục chăm sóc”, bác sĩ Thông cho biết.
Các bác sĩ tiến hành việc cho bé hô hấp qua nội khí quản, trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố để tiếp tục diều trị - Ảnh: BVCC
Bác sĩ Thông cho rằng việc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cử bác sĩ qua Bệnh viện Hùng Vương tham gia cấp cứu em bé ngay trong ca phẫu thuật, sau đó mới chuyển về đã giúp cho việc chuyển bệnh trên đường được an toàn hơn và Bệnh viện Nhi đồng thành phố cũng chủ động hơn khi tiếp nhận bé.
Hiện bé đã được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng thành phố an toàn. Tại đây các bác sĩ đã chẩn đoán lại là Lymphagioma khổng lồ, đang được điều trị chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức sơ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên (Bệnh viện Nhi đồng thành phố) cho biết bệnh viện đã lên kế hoạch điều trị hỗ trợ thở máy kháng viêm và kiểm soát nhiễm trùng thật tốt, khi bé ổn định sẽ tiêm thuốc Bleomycin chống u, dự kiến 3 đến 6 tháng sau sẽ phẫu thuật u cho bé.
Hồ Quang