ByteDance lên tiếng khi Trung Quốc siết chặt luật xuất khẩu, từ chối bán TikTok cho đối thủ
Thế giới số - Ngày đăng : 10:30, 31/08/2020
Hôm 28.6, Trung Quốc đã cập nhật danh sách các công nghệ bị hạn chế xuất khẩu, bao gồm một số lĩnh vực từ nhận dạng giọng nói đến thiết kế chip. Danh sách xuất khẩu này đã không được cập nhật kể từ năm 2008.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các công ty muốn xuất khẩu công nghệ trong danh sách phải có giấy phép của chính phủ nước này.
Trang CNBC cho biết một trong những mặt hàng bị hạn chế là công nghệ “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu”.
Lâu nay TikTok sử dụng thuật toán thông minh dựa trên AI để phân tích thói quen người dùng từ những thứ trước đây đã xem đến vị trí địa lý của họ và đề xuất video phù hợp.
Sau khi Trung Quốc siết chặt quy tắc xuất khẩu, hãng thông tấn chính thức của chính phủ nước này - Tân Hoa Xã đã đăng cuộc phỏng vấn với ông Cui Fan.
Là giáo sư tại Đại học Kinh tế - Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc và là cố vấn thương mại của chính phủ, Cui Fan nói ByteDance có thể sẽ cần phải làm thủ tục để được cấp phép. Tân Hoa Xã nói thêm rằng bất kể chủ sở hữu mới của TikTok là ai, ByteDance có thể sẽ cần chuyển mã phần mềm từ Trung Quốc sang nước ngoài và cần cung cấp dịch vụ kỹ thuật nữa. Điều này có thể làm cho việc bán TikTok ở Mỹ trở nên phức tạp hơn.
Hôm 30.8, ByteDance trả lời rằng đã lưu ý đến quy định xuất khẩu sửa đổi và rằng “công ty sẽ tuân thủ nghiêm ngặt” các quy định của pháp luật, theo CNBC.
Ngày 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm mọi giao dịch nào của Mỹ với ByteDance sau 45 ngày nữa. Mức độ đầy đủ của lệnh cấm là không rõ ràng.
Đến ngày 14.8, ông Trump ban hành lệnh hành pháp buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ sau 90 ngày nữa.
Microsoft và Walmart đang hợp tác để đàm phán mua TikTok ở Mỹ, Canada, Úc và New Zealand, trong khi Oracle cũng tham gia cuộc đua này.
Hôm nay, ông Bobby Sarnevesht, Chủ tịch điều hành của Triller (công ty đối thủ của TikTok có trụ sở ở Los Angeles, Mỹ) nói với CNBC rằng họ hợp tác với Centricus (công ty đầu tư có trụ sở tại London, Anh) để mua TikTok.
“Chúng tôi đã ra giá mua TikTok. Chúng tôi xác nhận rằng chủ tịch và những người có chức vụ cao tại ByteDance đều biết về điều đó. Chúng tôi đã gửi thư đi và tôi biết họ đang xem xét bước tiếp theo phải làm”, Bobby Sarnevesht chia sẻ.
Thế nhưng, người phát ngôn của TikTok nói: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng không và sẽ không đàm phán với họ. Tuy nhiên, chúng tôi rất tự hào vì biết họ ngưỡng mộ TikTok đến mức nào”.
Triller ra mắt trước TikTok hai năm (vào 2015) và người đồng sở hữu ứng dụng này, ông Ryan Kavanaugh nói với CNBC rằng họ tự coi mình là “phiên bản người lớn” của TikTok với nội dung “mạo hiểm hơn một chút”.
Hôm 24.8, TikTok đã gửi đơn kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hôm 6.8, chỉ trích Nhà Trắng phớt lờ nỗ lực giải quyết bất đồng và chính trị hóa vấn đề.
Người phát ngôn của TikTok cho biết: “Để đảm bảo rằng nguyên tắc pháp luật không bị loại bỏ và công ty cũng như người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thách thức lệnh hành pháp thông qua hệ thống tư pháp”.
Washington vẫn khẳng định rằng TikTok đại diện cho mối đe dọa an ninh quốc gia vì có thể gửi dữ liệu người dùng Mỹ đến Trung Quốc. TikTok đã nhiều lần phủ nhận điều này.
Nhân Hoàng