‘Vắc xin COVID-19 của Nga, Trung Quốc có thể kém hiệu quả, tăng khả năng lây nhiễm HIV’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:45, 31/08/2020

Theo Reuters, các nhà khoa học nổi tiếng đã nhận ra nhược điểm của vắc xin COVID-19 do Nga và Trung Quốc phát triển.
Vắc xin COVID-19 của Nga, Trung Quốc có thể kém hiệu quả, tăng khả năng lây nhiễm HIV do phát triển dựa trên Ad5.

Hiệu quả có thể hạn chế

Một số chuyên gia cho biết vắc xin COVID-19 của Nga và Trung Quốc được phát triển dựa trên một loại vi rút gây cảm lạnh mà nhiều người đã tiếp xúc nên có khả năng hạn chế hiệu quả của chúng.

Vắc xin COVID-19 của công ty CanSino Biologics được phê duyệt sử dụng trong quân đội Trung Quốc là một dạng sửa đổi của vắc xin adenovirus type 5 (hay Ad5). Theo Wall Street Journal, CanSino Biologics đang đàm phán để được phê duyệt khẩn cấp vắc xin COVID-19 ở một số quốc gia trước khi hoàn thành các thử nghiệm quy mô lớn.

Được phê duyệt ở Nga vào đầu tháng 8.2020 dù thử nghiệm hạn chế, loại vắc xin COVID-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Moscow (Nga) phát triển dựa trên Ad5 và một loại adenovirus thứ hai ít phổ biến hơn.

Anna Durbin, nhà nghiên cứu vắc xin tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nói: “Ad5 làm tôi lo ngại vì rất nhiều người có khả năng miễn dịch. Tôi không chắc chiến lược của họ là gì... Có lẽ nó sẽ không đạt được 70% hiệu quả. Nó có thể có hiệu quả 40% nhưng tốt hơn là không có gì, cho đến khi có thứ khác”.

Bên ngoài trụ sở CanSino Biologics ở thị trấn Thiên Tân, Trung Quốc - ảnh: Reuters

Vắc xin được coi là vũ khí cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 845.000 người trên toàn thế giới. Viện Gamaleya cho biết phương pháp tiếp cận hai loại virus của họ sẽ giải quyết các vấn đề về miễn dịch Ad5.

CanSino Biologics lẫn Viện Gamaleya đều có nhiều năm kinh nghiệm và phát triển vắc xin Ebola dựa trên Ad5. Song, cả hai đều không trả lời khi được yêu cầu bình luận về thông tin từ Anna Durbin.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm với vắc xin dựa trên Ad5 chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng trong nhiều thập kỷ, nhưng không có loại nào được sử dụng rộng rãi. Họ sử dụng vi rút vô hại làm “vật trung gian” để chuyển gen từ vi rút đích - trong trường hợp này là coronavirus chủng mới vào tế bào người - thúc đẩy phản ứng miễn dịch để chống lại vi rút thực sự.

Dù vậy, nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Ad5, điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch tấn công vector thay vì phản ứng với coronavirus, khiến các loại vắc xin này kém hiệu quả hơn.

Một số nhà nghiên cứu chọn các adenovirus thay thế hoặc các cơ chế phân phối. Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển vắc xin COVID-19 dựa vào một loại adenovirus trên tinh tinh, tránh được vấn đề Ad5. Ứng cử viên của Johnson & Johnson sử dụng Ad26, một chủng tương đối hiếm.

Tiến sĩ Zhou Xing từ Đại học McMaster (Canada) đã làm việc với CanSino Biologics về vắc xin dựa trên Ad5 đầu tiên, cho bệnh lao vào năm 2011. Nhóm của ông đang phát triển vắc xin Ad5 COVID-19 dạng hít, với giả thuyết rằng nó có thể tránh được các vấn đề miễn dịch đã có từ trước.

Zhou Xing nói: “Ứng cử viên vắc xin Oxford có lợi thế hơn hẳn so với vắc xin CanSino khi được tiêm”.

Zhou Xing cũng lo lắng rằng liều lượng cao của vec tơ Ad5 trong vắc xin CanSino Biologics có thể gây sốt, làm dấy lên sự hoài nghi về vắc xin.

“Tôi nghĩ rằng chúng sẽ tạo được khả năng miễn dịch tốt ở những người không có kháng thể với vắc xin, nhưng rất nhiều người đã có nó” là nhận xét của tiến sĩ Hildegund Ertl, Giám đốc Wistar Institute Vaccine Center ở thành phố Philadelphia.

Ở Trung Quốc và Mỹ, khoảng 40% số người có lượng kháng thể cao do tiếp xúc với Ad5 trước đó. Tại châu Phi, con số này có thể lên tới 80%, các chuyên gia cho biết.

Có thể làm tăng khả năng lây nhiễm HIV​

Một số nhà khoa học cũng lo ngại vắc xin COVID-19 dựa trên Ad5 có thể làm tăng khả năng lây nhiễm HIV.

Trong một thử nghiệm vắc xin HIV dựa trên Ad5 của công ty Merck & Co (Mỹ) vào năm 2004, những người có khả năng miễn dịch từ trước đã trở nên nhạy cảm hơn với vi rút gây bệnh AIDS.

Năm 2015, các nhà nghiên cứu, trong đó có chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết tác dụng phụ có thể chỉ xảy ra với vắc xin HIV. Song, họ cảnh báo rằng tỷ lệ nhiễm HIV nên được theo dõi trong và sau khi thử nghiệm tất cả các loại vắc xin dựa trên Ad5 ở những nhóm người có nguy cơ.

“Tôi sẽ lo lắng về việc sử dụng các loại vắc xin đó ở bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ nhóm người nào có nguy cơ nhiễm HIV và tôi đặt Mỹ là một trong số đó” là bình luận từ tiến sĩ Larry Corey, đồng lãnh đạo Mạng lưới Vắc xin Phòng chống Coronavirus ở Mỹ, người từng là nhà nghiên cứu chính về thử nghiệm của Merck & Co.

Vắc xin COVID-19 của Viện Gamaleya sẽ được sử dụng thành hai liều: Liều thứ nhất dựa trên Ad26, tương tự như ứng cử viên của Johnson & Johnson, và liều thứ hai dựa trên Ad5.

Một nhà khoa học làm việc ở phòng thí nghiệm của Viện Gamaleya trong quá trình sản xuất và thử nghiệm COVID-19 - ảnh: Reuters

Alexander Gintsburg, Giám đốc của Viện Gamaleya, nói phương pháp tiếp cận hai vector giải quyết vấn đề miễn dịch. Hildegund Ertl cho biết nó có thể hoạt động đủ tốt ở những người đã tiếp xúc với một trong hai adenovirus.

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi vắc xin COVID-19 của Nga sau khi chính phủ nước này có ý định cung cấp nó cho các nhóm nguy cơ cao vào tháng 10.2020 mà không có dữ liệu từ các thử nghiệm quan trọng.

Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu vắc xin từ Đại học Harvard và giúp phát triển vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson, nói: “Việc chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vắc xin là rất quan trọng”.

Dan Barouch lưu ý rằng, thông thường các thử nghiệm quy mô lớn “không cho kết quả như mong đợi hoặc cần thiết”.

Nhân Hoàng