Thêm 1 trường hợp nguy kịch sau khi ăn pa tê Minh Chay
Sự kiện - Ngày đăng : 19:30, 31/08/2020
TP.HCM: Tổng kiểm tra thu hồi pa tê Minh Chay và các sản phẩm của nhà sản xuất
5 người ăn pate Minh Chay đang thở máy tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Vi khuẩn Clostridium botulinum trong pate Minh Chay có thể gây tử vong: Cách tránh lây nhiễm
9 người nhập viện vì ăn pate Minh Chay, Bộ Y tế ra thông báo khẩn
Chiều 31.8, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay vừa tiếp nhận thêm 1 bệnh nhân bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pa tê Minh Chay.
Bệnh nhân này là nam, 54 tuổi (ngụ ở Bà Rịa- Vũng Tàu) được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27.8 trong tình trạng yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở. Bệnh nhân được đưa đến Khoa nội thần kinh nhưng qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có những bất thường nên sau khi tiến hành hội chẩn đã chuyển bệnh nhân đến Khoa bệnh nhiệt đới.
TS. BS Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong quá trình hội chẩn các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum như: yếu liệt tứ chi, nói khó, sụp mí…. Đặc biệt, bệnh nhân đã sử dụng thực phẩm pa tê Minh Chay mà trước đó đã xác định có nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấm lưu hành thực phẩm này.
“Hiện nay bệnh nhân tỉnh, nhưng tình trạng liệt hoàn toàn vẫn chưa cải thiện, phải thở máy. Trong ngày hôm nay (31.8), bệnh nhân được lọc máu. Chúng tôi đang cố gắng duy trì để không xảy ra những biến chứng do độc tố này gây ra”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Qua điều tra bệnh sử, vào ngày 25.8, người đàn ông này đã ăn nhiều thực phẩm pa tê Minh Chay. Đến khoảng 23 giờ ngày 26.8, bệnh nhân có biểu hiện nôn ói và tình trạng bệnh ngày càng tăng dần, bệnh nhân nói khó, nuốt khó, sụp mi nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bà Ria điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ. Sau đó, tình trạng bệnh tiếp tục nặng thêm, bệnh nhân bị yếu tứ chi, sụp mi hoàn toàn, khó thở. Bệnh viện Bà Ria đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27.8.
Như vậy, đây là bệnh nhân thứ 6 điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và là bệnh nhân thứ 8 điều trị tại TP. HCM do bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pa tê Minh Chay.
Riêng 5 ca bệnh bị ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn pa tê Minh Chay đã điều trị trước đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Hùng cho biết, đến thời điểm này sau 1 tháng điều trị, các bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục, chưa có những biến chứng đáng tiếc nào xảy ra.
Theo bác sĩ Hùng, hơn 30 năm công tác trong nghề y, ông chưa gặp phải trường hợp nào ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. “Qua tìm hiểu tôi được biết vào khoảng năm 1975 đến 1980 của thế kỷ trước có lác đác vài ca ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy nhiên, từ đó đến nay không phát hiện trường hợp nào nào ngộ độc do vi khuẩn này. Do đó, khi gặp trường hợp ngộ độc này các bác sĩ thường chẩn đoán nhầm, nhất là các bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán bệnh nhân bị nhược cơ cũng là điều dễ hiểu”, bác sĩ Hùng nói.
Hồ Quang