Tranh cãi về chuyện dùng ECMO giữ sự sống cho bệnh nhân COVID-19
Thông tin Y học - Ngày đăng : 08:42, 01/09/2020
Bệnh nhân 62 tuổi sống tại thành phố Quảng Châu, trải qua 111 ngày với máy oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) - dài gần gấp đôi nhiều trường hợp trước đó. Ông xuất viện vào tuần trước.
ECMO được tiên phong sử dụng từ những năm 1970 cho trẻ sơ sinh cần chăm sóc đặc biệt. Việc sử dụng trên người trưởng thành gây tranh cãi vì chi phí cao và bị xem như phương pháp kéo dài sự đau khổ của bệnh nhân sớm muộn cũng tử vong.
Chuyên gia y tế Chung Nam Sơn - nhân vật phụ trách công tác chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc - không công bố chi phí điều trị của ca bệnh dùng ECMO hơn 100 ngày (chắc chắn do nhà nước chi trả), nhưng ông phát biểu với tờ Nhân dân nhật báo rằng đây là ví dụ tiêu biểu cho thấy nước này sẵn sàng cứu sống người dân bằng bất cứ giá nào.
Ca bệnh nêu trên béo phì nặng, nhập viện hồi tháng 2 trong tình trạng khó thở và có dấu hiệu suy tim.
ECMO đóng vai trò như tim phổi nhân tạo đưa máu ra khỏi cơ thể, bổ sung oxy rồi bơm máu trở lại, qua đó giữ lại mạng sống cho trường hợp tình trạng nghiêm trọng.
COVID-19 khiến nỗ lực điều trị thêm khó khăn vì viêm nhiễm nặng làm tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát, nếu dùng thuốc thì lại có thể khiến máu đông lại ở màng trao đổi oxy của máy ECMO.
Bác sĩ Lưu Tuyết Tùng tham gia cứu chữa ca bệnh dùng ECMO hơn 100 ngày cho biết họ không thể làm gì để cầm máu mà phải theo dõi suốt 24 tiếng/ngày.
ECMO ngày càng được dùng rộng rãi làm dấy lên lo ngại. Khoảng một nửa số bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này đã chết, có ý kiến chỉ trích máy chỉ kéo dài thời gian mà người bệnh phải chịu đau khổ.
ECMO còn cực kỳ tốn kém. Năm 2019, gia đình một thanh niên 19 tuổi tại Mỹ tử vong vì suy hô hấp phải trả hóa đơn 4,2 triệu USD (có bảo hiểm chi trả) cho 60 ngày điều trị.
Trung Quốc sở hữu khoảng vài trăm máy ECMO, nhưng phần lớn chỉ được sử dụng trung bình 1 lần/năm do quá đắt đỏ.
Cẩm Bình (theo SCMP)