Có 2 quốc tịch: 'ĐBQH Phạm Phú Quốc bày tỏ sự ăn năn, đau lòng'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:35, 01/09/2020

Việc Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch là điều hết sức đáng tiếc với đoàn ĐBQH TP.HCM. Trong đơn giải trình, ông Quốc nói rằng việc có quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh, còn thông tin bỏ tiền ra mua là không chính xác. Trong đơn, Đại biểu (ĐB) Quốc có bày tỏ sự ăn năn, đau lòng...
Lãnh đạo TP.HCM tại cuộc họp báo - Ảnh: Phan Diệu

Tối 1.9, TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Nội vụ, Sở Thông tin - Truyền thông, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cùng chủ trì họp báo.

Điều hết sức đáng tiếc của đoàn ĐBQH TP.HCM

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, việc ĐB Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch là điều hết sức đáng tiếc với đoàn ĐBQH TP.HCM. Trong đơn giải trình, ông Quốc nói rằng việc có quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh (người vợ và con trai ở Anh quốc), còn thông tin bỏ tiền ra mua là không chính xác. Đối với thông tin ông Quốc có 2 quốc tịch, bước đầu lãnh đạo thành phố biết thông tin trên báo mạng nên rất thận trọng, vừa phải báo cáo lên cấp trên, vừa phối hợp, kiểm chứng thông tin đầy đủ để có bước tiếp theo trong quá trình xem xét.

Ngày 25.8, ông Quốc đã nộp đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH và xin thôi việc tại Công ty Phát triển Tân Thuận. Ông Khuê cho rằng ông Quốc là ĐBQH, thuộc Thành ủy quản lý, nên hàng năm các tổ chức Đảng và cơ quan đều yêu cầu cán bộ công chức thực hiện nghiêm kê khai tài sản. Tuy nhiên, vấn đề kiểm kê tài sản của cán bộ hết sức khó khăn. Nếu tài sản hiện hữu, bất động sản thì còn kiểm kê được, còn về tiền tệ, đá quý, tài khoản cá nhân thì hết sức khó.

“ĐB Phạm Phú Quốc đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ, nhưng chiếu theo các quy định của luật, tư cách ĐBQH của ông Quốc phải được Quốc hội xem xét bãi miễn. Qua giải trình, ông Quốc vẫn nhất quán thông tin là do gia đình bảo lãnh. Lúc đó ĐB có vấn đề chi phối về việc riêng, công việc không như ý nên gia đình bảo lãnh.

Với trách nhiệm của ĐBQH, đảng viên, người giữ trọng trách quan trọng và với lương tâm của ĐB, ông Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ báo cáo với tổ chức, trách nhiệm với lá phiếu cử tri đã bầu mình. Trong đơn, ĐB Quốc có bày tỏ sự ăn năn, đau lòng vì đã nhìn nhận sự việc dưới góc độ doanh nhân. Do đó, ngoài việc Quốc hội xem xét bãi nhiệm thì giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM trên cơ sở bổ nhiệm thì có thể tạm đình chỉ để rà soát công việc, nhiệm vụ, đối chiếu quy định của luật để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tổ chức đảng nơi ĐB Quốc sinh hoạt sẽ căn cứ vào sự tự nhìn nhận và báo cáo, xem xét, đối chiếu với các quy định của Đảng để xem xét trách nhiệm đảng viên, sau đó thông tin rộng rãi tới cử tri trên địa bàn. Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ ngồi lại vào thứ 6 này để có báo cáo toàn diện về sự việc này, từ đó báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan nơi ĐB Quốc là thành viên để xem xét toàn diện vấn đề 2 quốc tịch của một ĐBQH”, ông Khuê nói thêm.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của báo chí về thời điểm ông Quốc được bầu làm ĐBQH, ông Khuê nói rằng ngay từ khi được địa phương giới thiệu ứng cử thì chưa có thông tin gì về việc vợ và con của ông Quốc có quốc tịch Síp. Vào giai đoạn ông Quốc công tác ở Công ty Tài chính sau chuyển tiếp đến Công ty Phát triển Tân Thuận, trong hồ sơ vẫn chưa thể hiện ông Quốc có 2 quốc tịch và vợ con có quốc tịch ở nước ngoài. Việc này đặt ra vấn đề là ông Quốc không thực hiện đầy đủ đúng quy định, khai báo không trung thực.

Thông tin thêm về việc trong giai đoạn chuyển tiếp công việc của ông Quốc, có một khoảng thời gian ông Quốc đang chịu hình thức kỷ luật Đảng nhưng vẫn được bổ nhiệm, ông Khuê nói rằng Ban cán sự Đảng giao cho Sở Nội vụ cập nhật lại chi tiết thời gian này để xem đã làm chặt chẽ chưa.

"Vụ việc xảy ra đã lâu, có thể nói hình thức kỷ luật của ông Quốc có liên quan đến trách nhiệm của mình. Năm 2018, đoàn ĐBQH TP.HCM có nhận được đơn của ĐB Quốc nhưng không phải là đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH mà là đơn ông Quốc trình bày lại về việc xem xét kỷ luật. Chúng ta không nên chỉ soi xét vào việc ĐB Quốc lấy đâu ra 2,5 triệu USD mà nên tôn trọng báo cáo giải trình của ĐB Quốc với tổ chức là do gia đình bảo lãnh, nên tôn trọng quyền cá nhân của ĐB Quốc”, ông Khuê thông tin.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM thông tin tại cuộc họp - Ảnh: Phan Diệu

Xem xét bãi miễn tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc

Thông tin chi tiết về vụ việc, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM cho biết ngày 25.8, truyền thông quốc tế có đưa tin về việc người có tên Phạm Phú Quốc nhập quốc tịch Síp vào tháng 12.2018. Ngay sau khi nhận được thông tin nay, TP.HCM đã kiểm tra và xác minh sự việc. Cũng trong ngày 25.8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi ĐBQH và Tổng giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận.

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng cũng nói rằng lúc ĐB Phạm Phú Quốc tham gia ứng cử ĐBQH thì có đầy đủ tiêu chuẩn một ĐBQH. Còn việc ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp vào tháng 12.2018 là thể hiện không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức.

Ông Thắng nói rằng ngày 27.8, ĐB Phạm Phú Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các đơn vị chức năng. Qua đơn giải trình của ĐB Phạm Phú Quốc, các đơn vị đã rà soát lại và báo cáo hướng xử lý.

Qua đề xuất của đoàn ĐBQH, UBND TP.HCM, Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM đã thống nhất hướng xử lý đối với ĐB Phạm Phú Quốc. Cụ thể, trong tuần này, Đoàn ĐHQH sẽ họp và kiến nghị lên Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc. Về mặt Đảng, TP.HCM sẽ làm việc và xem xét quyết định trong tháng 9.2020.

Đặc biệt, với nhiệm vụ Tổng giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận của ĐB Phạm Phú Quốc, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Nội vụ tham mưu quyết định đình chỉ chức vụ này. Sau đó, TP.HCM giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm ĐB Phạm Phú Quốc trước khi xem xét cho thôi việc. Những đầu việc này sẽ hoàn thành trong tháng 9.2020.

“Không nên phủ định mọi thành tích vì có 2 quốc tịch”

Liên quan đến việc ĐB Quốc đang chịu kỷ luật Đảng mà vẫn được bổ nhiệm thì có đúng quy trình không, ông Phan Nguyễn Như Khuê nói rằng cũng có lúc quy trình không chặt chẽ, toàn diện. Tuy nhiên, đây không phải là sự biến chất, biến đổi cán bộ mà nên tạo cơ hội để cán bộ nỗ lực khắc phục sửa sai, đáp ứng được yêu cầu công việc, nên có cái nhìn đánh giá sự việc chứ không nên quá cực đoan.

“Việc kết luận ĐB Quốc giàu hay nghèo xin không bàn, đây là vấn đề riêng của ĐB. Không phải vì việc có 2 quốc tịch mà phủ định sạch những đóng góp, thể hiện của ĐB Quốc trên cương vị công tác của mình. Chúng ta không nên thấy việc nhỏ mà đánh giá con người không còn gì nữa. Việc làm được, việc hạn chế của ĐB cần được nhìn nhận toàn diện.

ĐB Quốc là người chịu khó về tư duy, luôn tuân thủ quy định của đoàn ĐBQH. Những nội dung được giao, ĐB Quốc luôn tư duy, góp ý sâu sắc những đóng góp cho đoàn ĐBQH TP.HCM. Đây là việc rất đáng tiếc và là bài học để mỗi cán bộ tự vấn, từ nhận thức và làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình”, ông Khuê nói thêm.

Trả lời rõ về công tác lựa chọn cán bộ, đại diện Sở Nội vụ cho rằng theo quy định, với những cán bộ bị khiển trách thì không được bố trí chức vụ cao hơn trong đơn vị đó. Việc bổ nhiệm ông Quốc được thực hiện qua 5 bước theo đúng quy trình. Còn theo quy định của Luật cán bộ công chức viên chức dành cho công dân quốc tịch Việt Nam thì ông Quốc có quốc tịch Síp là không đúng, nhưng vụ việc này bây giờ mới phát hiện.

Trước đó, như Một Thế Giới phản ánh, một vụ rò rỉ các tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức các cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã sở hữu "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh trong số những người sở hữu hộ chiếu của Síp có ĐBQH Phạm Phú Quốc.

Ông Phạm Phú Quốc hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận. Ông Quốc là ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14.

Phan Diệu