Vài suy nghĩ khi bước sang tháng 9
Góc bình luận - Ngày đăng : 07:43, 02/09/2020
Bão lũ nhiều nơi, những trận mưa kéo dài với lượng mưa kỷ lục đang tạo nên những trận lụt khủng khiếp ở nhiều châu lục. Đặc biệt tại Trung Quốc đại lục khi mà nước sông Dương Tử - Trường Giang, Hoàng Hà, Tây Giang, Hoài Giang... lên cao chưa từng có trong 60 năm, thậm chí 100 năm qua. Đập thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới với hàng tỉ mét khối nước luôn ở mức báo động đỏ, trên mức an toàn về sức chứa, sức chịu đựng và độ cao của đập tràn xả lũ có hôm lên tới 174 mét/145 mét. Nhiều tỉnh thành, hạ lưu các con sông lớn ngập chìm trong nước gây thiệt hại trên 26 tỉ USD cho Trung Quốc, tài sản hoa màu và cả sinh mạng người dân bị mất có lẽ lớn hơn nhiều so với năm 1998?
Hạn hán xâm nhập mặn, tuyết rơi rất lạ giữa mùa hè. Động đất và bão tại nhiều quốc gia. Bão Laura đang tàn phá một số tiểu bang của Mỹ. Núi lửa Sinabung phun trào tại Indonesia. Châu chấu hoành hành tàn phá tại nhiều tỉnh Trung Quốc, Ấn Độ và một vài xã vùng biên nước ta.
Đó là thiên tai.
Đại dịch viêm phổi cấp bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc đã lây nhiễm lan ra toàn cầu. Đến nay đã có trên 25 triệu người bị nhiễm COVID-19 và gần 860.000 người tử vong, đại dịch vẫn chưa được kiểm soát. WHO vẫn liên tục cảnh báo nguy cấp vì các đặc trưng, đặc tính khác thường của COVID-19. Nó đã được giải mã trình tự gen nhưng biến thể và các biến dị, đột biến thì khôn lường. WHO đã thông báo tới thể thứ 6 rồi.
Và cũng có thể cuộc chiến với COVID-19 sẽ kéo dài không chỉ hết năm nay mà loài người còn phải chống chọi với loại vi rút này hàng thập kỷ nữa, kể cả khi đã có vắc xin. Cả thế giới đang tập trung cho dập dịch, cứu người. Trên 40 quốc gia đang nghiên cứu chế tạo vắc xin ngừa COVID-19. Cũng đã có nhiều công ty, nhiều nước đã công bố kết quả tốt đẹp và hy vọng cuối năm nay Nga, Mỹ, Trung Quốc... sẽ thực hiện tiêm chủng trên số đông người dân của họ và xuất bán cho nhiều quốc gia.
Cuộc chiến nghiên cứu sản xuất, xuất khẩu vắc xin đang diễn ra khốc liệt. Tất cả vì tiêu diệt đại dịch thế kỷ COVID-19 với lợi nhuận kếch xù. Bao nước đang điêu đứng vì bệnh dịch COVID-19. Không ít các lãnh đạo quốc gia bị nhiễm: Thủ tướng Anh, Tổng thống Brazil, Tổng thống Bolivia...
Đó là địch họa. Hy vọng và chờ xem ứng xử của loài người với đại dịch.
Thế giới đang bước vào đại suy thoái kinh tế lớn nhất trong 100 năm qua. Nền kinh tế thế giới thời kỳ cách mạng công nghiệp cơ khí đã trải qua nhiều cuộc suy thoái, khủng hoảng. Có lẽ Đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 là cuộc suy thoái lớn nhất thế kỷ XX. Nó làm nền kinh tế các nước thế giới tư bản Âu, Mỹ lâm vào khốn quẫn nhất, kéo dài mãi tới năm 1939. Và cũng thời gian ấy là thai nghén cuộc thế chiến thứ hai, cuộc đại chiến thế giới lớn nhất, tàn khốc nhất kéo cả thế giới vào cuộc. Và kết thúc bằng chiến thắng của Hồng quân Liên Xô tại Berlin, cùng với Đồng minh Mỹ, Pháp, Anh... trên các mặt trận từ Âu sang Á.
Từ kết quả việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, thế giới phân hai phe đối lập. Thế giới hai cực đã hình thành. Cuộc chạy đua kinh tế, khoa học công nghệ, chính trị toàn cầu với hai khối quân sự theo hai hiệp ước: NATO, Warszawa... Hai khối kinh tế EU, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) ra đời đối trọng nhau trong cuộc chiến tranh Lạnh xuyên bao thập kỷ kìm hãm phát triển thế giới... Rồi cuộc chạy đua của hai đại diện hai phe XHCN và TBCN đứng đầu là Liên Xô và Mỹ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và chinh phục vũ trụ. Với cuộc chạy đua ấy, Liên Xô đã suy yếu và bước vào đại suy thoái ở hai thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước. Bức tường Berlin sụp đổ báo trước sự tan rã của hệ thống các nước XHCN Đông Âu.
Và cuối cùng, mặc bao sự nỗ lực cứu vớt của Mikhail Gorbachev và đảng Cộng sản Liên Xô, đến năm 1990, Liên Xô vẫn tan rã. Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường là Liên Xô và Mỹ chấm dứt. Thế giới trở về đơn cực. Rồi khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão từ công nghệ IT, internet, AI, tự động hoá... Kinh tế thế giới bước vào thời kỳ toàn cầu hoá. Chưa bao giờ kinh tế thế giới lớn mạnh như lúc này nhưng kinh tế thế giới đang bắt đầu đại suy thoái lớn nhất 100 năm nay. Hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Hàng trăm triệu người thất nghiệp mất việc làm. Nạn đói đang đe doạ...
Đó là điều tồi tệ.
Nước Mỹ chủ quan và bắt đầu có vấn đề trong nhiều lĩnh vực. Sự đối đầu càng ngày càng rõ và khốc liệt giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ tại đây. Người Mỹ vì cục bộ và lợi ích của mình, họ đã bắt tay với Trung Hoa từ chuyến thăm Bắc Kinh 1972 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Rồi tới 1979 và sau nữa, hai nước gần gũi hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế thương mại... Trung Quốc đã trỗi dậy từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa phát triển kinh tế với triết lý: “Mèo đen mèo trắng” để xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.
Với phương châm, quan điểm và cương lĩnh “Chờ thời”, các thời cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã thành công. Trung Quốc đã lớn mạnh chưa từng thấy, từ kinh tế đến kỹ thuật. Họ đã chinh phục ngành hàng không vũ trụ, đóng tàu chiến, tàu ngầm và cả tàu sân bay... Họ đã vượt xa nhiều cường quốc G7, rồi vượt qua Nhật Bản để thành cường quốc thứ hai thế giới về kinh tế, thách thức ngôi cường quốc số 1 thế giới của Mỹ. Với Giấc mộng Trung Hoa, ông Tập Cận Bình thúc đẩy đại dự án chiến lược Vành đai và Con đường. Để thực hiện dự án đó, Trung Quốc muốn kiểm soát các vùng biển xung quanh, trong đó có Biển Đông - con đường hàng hải quan trọng và lớn nhất thế giới - dựa trên đường lưỡi bò phi pháp. Do đó, họ đã tìm cách xâm chiếm không chỉ vùng biển đảo, thậm chí thềm lục địa của không chỉ nhiều nước ASEAN mà cả với Nhật Bản.
Ông Tập Cận Bình không đi theo con đường của tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình là “nằm im chờ thời” mà đã nôn nóng, đốt cháy giai đoạn thực hiện kế hoạch soán ngôi Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới. Và cuộc chiến Mỹ - Trung đang diễn ra trên mọi phương diện để giành ngôi vị số 1 thế giới thế kỷ 21. Cuộc so kè có thể xảy ra trên quy mô lớn trước hết về pháp lý, về kinh tế, khoa học công nghệ, ngoại giao và có thể dẫn tới đụng độ quân sự tại Biển Đông, tại Đài Loan...
Liệu tình trạng căng thẳng hiện giờ có thể diễn ra cuộc chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Mỹ - Trung? Liệu nó có thể diễn ra theo một dạng chiến tranh thế giới mới bằng công nghệ cao mà không phải đơn thuần là súng đạn quy ước? Vũ khí sinh học? Hoá học? Mạng và AI? Không ai đoán trước được điều gì. Bản thân trong lòng đất nước Trung Quốc cũng có bao điều phải giải từ chuyện Đài Loan, Hồng Kông đến Tây Tạng, Tân Cương, chuyện già hóa dân số, mất cân bằng giới cho đến phân hóa giàu nghèo.
Và nước Mỹ cũng không ít chuyện. Riêng dịch COVID-19 đã làm nước Mỹ chao đảo với số ca nhiễm hơn 6 triệu và gần 200.000 ca tử vong - đều ở mức cao nhất thế giới. Rồi vấn đề phân biệt chủng tộc, nền kinh tế sa sút, nạn thất nghiệp tăng trở lại.
Cuộc bầu cử tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu vào các cuộc tranh luận khốc liệt và đầy kịch tính khi xem, nghe hai đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ và Cộng hoà. Một bên thì dùng các nhân vật chính trị kỳ cựu đọc các bài tham luận chỉ trích cá nhân đương kim Tổng thống. Một bên thì Phó tổng thống đương nhiệm Mike Pence, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ Melania Trump và con gái Tiffany Trump với những lời lẽ nhẹ nhàng và có vẻ nhân văn để ca ngợi gần 4 năm cầm quyền của vị tổng thống không phải gà nòi về chính trị mà là một tỷ phú với phong cách lãnh đạo khác truyền thống. Các phương tiện truyền thông đang nóng lên từng ngày về thông số ủng hộ các ứng cử viên... Ta hãy chờ xem ai sẽ đạt 270 phiếu đại cử tri trở lên vào ngày 3.11 này.
Không chỉ ở Trung Quốc và Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới cũng đầy biến động. Các cuộc biểu tình tại Belarus, Thái Lan, Mali, Lebanon... Hàng loạt chính phủ phải giải tán. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chức sau nhiều năm tại vị vì lý do sức khỏe. Nhiều vùng chiến sự vẫn đang diễn ra, chưa im tiếng súng. Những diễn biến sau thỏa thuận giữa Israel và UAE sau sự kết nối của ông Donald Trump. Bất đồng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và nhiếu quốc gia châu Âu. Còn rất nhiều chính biến khắp các châu lục mà tôi không thể kể ra trong khuôn khổ bài viết này.
Có điều là Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch COVID-19, kinh tế có giảm sút nhưng vẫn được xem là nền kinh tế có tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới trong năm 2020. Năm nay là năm khó khăn, thách thức với nền kinh tế đất nước và đời sống xã hội nhưng có lẽ cũng là năm Việt Nam có vị thế trên trường quốc tế cao nhất: Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và nhiều diễn đàn quốc tế khác. Dù thách thức rất lớn nhưng thời cơ cũng không nhỏ. Năm kỷ niệm 75 năm thành lập nước, 45 năm thống nhất đất nước! Năm nhiều sự kiện lớn đã, đang và sẽ diễn ra trên khắp đất nước.
TS Nguyễn Văn Lạng (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)