Trung Quốc ngáng đường thành công vụ các công ty Mỹ mua TikTok
Thế giới số - Ngày đăng : 19:15, 03/09/2020
Hôm 28.8, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các hạn chế xuất khẩu mới với 23 danh mục công nghệ. Trang CNBC cho biết một trong những mặt hàng bị hạn chế là công nghệ “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu”. Điều này có nghĩa là ByteDance sẽ phải xin phép Chính phủ Trung Quốc nếu muốn bán thuật toán đề xuất của TikTok trong bất kỳ giao dịch nào.
Lâu nay TikTok sử dụng thuật toán thông minh dựa trên AI để phân tích thói quen người dùng từ những thứ trước đây đã xem đến vị trí địa lý của họ và đề xuất video phù hợp.
Thuật toán này quyết định video nào sẽ hiển thị cho người dùng xem, được coi là nước sốt bí mật khiến TikTok vừa gây nghiện vừa có giá trị cao.
ByteDance đang đàm phán để bán bộ phận và mảng kinh doanh TikTok hoạt động ở Mỹ cho công ty nước này.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, viễn cảnh phải loại bỏ thuật toán đề xuất video của TikTok đã làm đình trệ các cuộc đàm phán mua lại ứng dụng này. Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán nói với Wall Street Journal rằng, việc mua TikTok mà không có thuật toán đề xuất video sẽ giống như sắm một chiếc ô tô yêu thích với động cơ rẻ tiền.
Nếu không có thuật toán đề xuất video, TikTok có khả năng phải giảm giá bán cho đối tác ở Mỹ. Lý do vì bất kỳ người mua nào sau đó sẽ phải xây dựng các thuật toán của riêng họ từ đầu.
Theo Reuters, công ty Mỹ còn có ba cách để hoàn thành thỏa thuận mua mua TikTok:
- Tìm kiếm sự chấp thuận của Chính phủ Trung Quốc để đưa các thuật toán đề xuất video của TikTok vào thương vụ mua bán. Đây có thể là quá trình kéo dài, vượt quá thời hạn đàm phán cuối cùng là ngày 20.9 mà Tổng thống Donald Trump đặt cho ByteDance và cũng không có gì đảm bảo Bắc Kinh sẽ đồng ý.
- Cấp phép cho thuật toán của ByteDance. Việc này có thể làm mất lòng chính quyền Trump vì họ muốn TikTok ở Mỹ tách hoàn toàn các hoạt động khỏi ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
- Đàm phán thời hạn chuyển tiếp lên đến 1 năm với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Reuters không rõ liệu khung thời gian của việc này có phù hợp với các quy tắc từ Trung Quốc hay không.
Tờ Bloomberg cho hay sự can thiệp từ Trung Quốc khiến Giám đốc điều hành ByteDance, Trương Nhất Minh phải xem xét lại các lựa chọn của mình.
Một người quen thuộc với vấn đề trên cho biết sự phản đối nào từ Washington và Bắc Kinh có thể trì hoãn bất kỳ thỏa thuận cuối cùng đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3.11.
Liên minh Microsoft – Walmart và Oracle cùng một số ít các nhà đầu tư ByteDance là ứng viên hàng đầu để mua TikTok. Theo trang Business Insider, Triller (công ty đối thủ của TikTok có trụ sở ở Los Angeles, Mỹ) cho biết cũng muốn TikTok ở Mỹ kể cả không có thuật toán. Dù vậy, ByteDance từ chối đàm phán bán TikTok cho đối thủ.
TikTok đang chạy đua với thời gian khi Tổng thống Donald Trump ban hành hai lệnh hành pháp vào tháng 8.2020 đe dọa sự hiện diện của ứng dụng này ở Mỹ.
Ngày 6.8, Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hành pháp cấm mọi giao dịch nào của Mỹ với ByteDance sau 45 ngày nữa. Mức độ đầy đủ của lệnh cấm là không rõ ràng. Đến ngày 14.8, ông Trump ban hành lệnh hành pháp buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ sau 90 ngày nữa.
Dù vậy, chưa rõ Tổng thống Mỹ có thẩm quyền gì để cấm ứng dụng như TikTok.
Hôm 24.8, TikTok đã gửi đơn kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh hành pháp của Tổng thống Trump hôm 6.8, chỉ trích Nhà Trắng phớt lờ nỗ lực giải quyết bất đồng và chính trị hóa vấn đề.
Người phát ngôn của TikTok cho biết: “Để đảm bảo rằng nguyên tắc pháp luật không bị loại bỏ và công ty cũng như người dùng của chúng tôi được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thách thức lệnh hành pháp thông qua hệ thống tư pháp”.
Hôm nay, Trung Quốc cho biết các quy tắc hạn chế xuất khẩu công nghệ không nhắm mục tiêu vào công ty cụ thể nào. Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump nói Bộ Tài chính Mỹ nên thu một khoản đáng kể từ giao dịch bán TikTok thì truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng dữ dội, gọi đó là "vụ cướp công khai". Một tờ báo Trung Quốc cũng mô tả lệnh hành pháp của ông Trump là sự "cướp phá".
Nhân Hoàng