Trung Quốc mong Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm ứng dụng, quay lại hợp tác đôi bên cùng có lợi
Thế giới số - Ngày đăng : 11:01, 04/09/2020
Theo trang The Register, bà Ji Rong, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, tuyên bố: "Chúng tôi quan tâm nghiêm túc và kiên quyết phản đối việc Chính phủ Ấn Độ cấm các ứng dụng thiết bị di động có gốc Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia. Chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc ở nước ngoài tuân thủ các quy tắc quốc tế, hoạt động tuân thủ luật pháp và quy định. Các hành vi liên quan từ Chính phủ Ấn Độ không chỉ gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc mà còn gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng Ấn Độ và môi trường đầu tư”.
“Trung Quốc và Ấn Độ là cơ hội phát triển của nhau hơn là mối đe dọa chiến lược. Chúng tôi hy vọng rằng Ấn Độ sẽ làm việc với Trung Quốc để duy trì tình hình hợp tác và phát triển mà hai bên cùng có lợi, quay trở lại con đường hợp tác cùng có lợi”, Ji Rong nói thêm.
Bên cạnh đó, Ji Rong cho rằng Ấn Độ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Ấn Độ chấn chỉnh các hành vi phân biệt đối xử vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và khách quan cho tất cả các bên tham gia thị trường từ các quốc gia khác nhau, bao gồm cả Trung Quốc”.
Điểm đáng chú ý là các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây cảnh báo Úc rằng hành động kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra nguồn gốc của coronavirus chủng mới có thể khiến người tiêu dùng của họ mất hứng thú với các sản phẩm từ xứ sở chuột túi.
Trung Quốc sau đó đã cấm nhập khẩu thịt bò và lúa mạch của Úc, cáo buộc Úc bán phá giá rượu vang xuất khẩu. Cụ thể hơn, Trung Quốc cho rằng các loại rượu vang của Úc được bán ở xứ Trung với giá thấp hơn tại quê nhà. Các tranh chấp kiểu đó thường được giải quyết tại WTO nhưng có thể mất nhiều năm.
Vì thế, việc đề cập đến WTO có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng "quấn lấy" Ấn Độ trong nhiều năm. Điều này có thể dẫn đến những cuộc thảo luận thú vị về kế hoạch Ấn Độ tự cung cấp phần mềm, silicon và mọi mặt hàng khác thay vì dựa vào Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề cập đến kế hoạch đó trong bài phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Ấn hằng năm. Chính sách tự cung tự cấp "nhằm biến Ấn Độ từ chỗ chỉ là một thị trường thụ động thành trung tâm sản xuất tích cực tại trái tim của chuỗi giá trị toàn cầu".
Ông Narendra Modi nói: "Đại dịch này cũng đã cho thế giới thấy rằng quyết định phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ dựa trên chi phí. Chúng còn phải dựa trên niềm tin. Cùng với khả năng chi trả theo địa lý, các công ty cũng đang tìm kiếm độ tin cậy và sự ổn định về chính sách. Ấn Độ là nơi có tất cả những phẩm chất này".
Hôm 2.9, Bộ Công nghệ Thông tin của Ấn Độ đã ra lệnh cấm 118 ứng dụng bị cho là "phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh nhà nước và trật tự công cộng".
Động thái trên sẽ giúp "bảo vệ lợi ích của hàng chục triệu người dùng di động và internet của Ấn Độ. Quyết định này nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh và chủ quyền của không gian mạng của Ấn Độ”, Bộ Công nghệ Thông nước này cho biết thêm.
Động thái trên diễn ra hơn 2 tháng sau khi Ấn Độ cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, gồm cả TikTok, WeChat, UC Browser và UC News, hôm 29.6 khi căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia láng giềng tiếp tục gia tăng.
TikTok từng coi Ấn Độ là thị trường quốc tế lớn nhất.
Trong 118 ứng dụng mới bị cấm hôm 2.9 có VPN for TikTok, Baidu, WeChat Work, Tencent Weiyun, Pitu, Rise of Kingdoms, APUS Launcher, Tencent Weiyun, Mobile Taobao, Youko, Sina News, CamCard, PUBG và cả phiên bản thu nhỏ của game này.
VPN for TikTok giúp thiết bị kết nối với mạng riêng ảo, vượt tường lửa nhanh gọn để sử dụng TikTok ở nơi nào ứng dụng chia sẻ video ngắn này bị chặn.
PUBG của Tencent phổ biến nhất trong số 118 ứng dụng trên, với hơn 50 triệu người chơi ở Ấn Độ.
“Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin đã nhận được nhiều khiếu nại từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các báo cáo về việc lạm dụng một số ứng dụng di động có sẵn trên nền tảng Android và iOS để ăn cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng trái phép đến các máy chủ có địa điểm bên ngoài Ấn Độ. Đã có một điệp khúc mạnh mẽ trong không gian công cộng để thực hiện hành động nghiêm khắc chống lại các ứng dụng gây tổn hại đến chủ quyền của Ấn Độ cũng như quyền riêng tư của công dân của chúng tôi", Ấn Độ nêu rõ.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới leo thang khi hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc đụng độ quân sự trên dãy Himalaya vào tháng 6.2020. Kể từ đó, “Tẩy chay Trung Quốc” và các biến thể của nó đã trở thành xu hướng trên Twitter ở Ấn Độ khi ngày càng có nhiều người đăng các video tiêu hủy smartphone, TV và các sản phẩm khác do Trung Quốc sản xuất.
Vào tháng 4.2020, Ấn Độ cũng đã thực hiện một thay đổi trong chính sách đầu tư nước ngoài của mình, yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc (những người đã đầu tư hàng tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ trong những năm gần đây) phải được New Delhi phê duyệt.
Động thái này đã làm giảm đáng kể sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc trong các dòng thỏa thuận của các công ty khởi nghiệp Ấn Độ trong những tháng tiếp đó.
Tháng trước, Tập đoàn Alibaba được cho là đã tạm dừng mọi khoản đầu tư mới vào các công ty Ấn Độ trong ít nhất 6 tháng.
Danh sách 118 ứng dụng Trung Quốc vừa bị cấm ở Ấn Độ:
Nhân Hoàng