Đánh bác sĩ kiểm tra cụ ông qua đời nghi nhiễm COVID-19, nhiều người dự đám tang mắc bệnh

Quốc tế - Ngày đăng : 12:22, 06/09/2020

Nhóm của bác sĩ Yakub bị tấn công khi đến khu dân cư đông đúc trên địa bàn Nam Jakarta, Indonesia, nơi có cụ già nghi nhiễm COVID-19 vừa qua đời. Xét nghiệm người chết cho kết quả dương tính với COVID-19.
Năng lực xét nghiệm sàng lọc của Indonesia còn yếu - Ảnh: Reuters

Lúc bác sĩ Yakub đến, nơi ở của cụ già chật kín người đưa tiễn. Sự xuất hiện của ba người đàn ông mặc đồ bảo hộ khiến người thân và bạn bè bị sốc.

“Bầu không khí trở nên căng thẳng, nhưng chúng tôi phải tiến hành công việc”, bác sĩ Yakub kể lại. Họ cố giải thích rằng nhiều khả năng cụ già đã nhiễm COVID-19 nên cần đưa thi thể đi chôn cất theo đúng quy định. Ngoài ra, những ai tiếp xúc gần cần đi xét nghiệm.

Đám đông đưa tiễn phẫn nộ chửi mắng: “Bằng chứng đâu? Mấy người được trả tiền nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh phải không? Mấy người xem bệnh nào cũng là COVID-19 phải không?”.

Tiếng la hét nhanh chóng chuyển thành hành động bạo lực khi các nhân viên y tế bị xô đẩy và đe dọa. Khó tự vệ vì đang mặc đồ bảo hộ nên họ quyết định rút lui.

Vài ngày sau, kết quả xét nghiệm xác thực người chết nhiễm COVID-19. Nhóm của bác sĩ Yakub quay lại cùng lực lượng cảnh sát địa phương. Nhiều người dự đám tang cũng dương tính với COVID-19.

Bộ Y tế Indonesia định nghĩa người tiếp xúc gần là bất cứ ai tiếp xúc vật lý hoặc tương tác trực tiếp hơn 15 phút với ca nhiễm COVID-19 trong vòng 48 tiếng trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đầu tiên và 14 ngày sau đó.

Mục tiêu là với mỗi ca nhiễm COVID-19 cần xét nghiệm khoảng 30 người tiếp xúc gần. Thế mhưng trong giai đoạn 27.8 - 2.9, giới chức y tế nước này chỉ có thể xét nghiệm khoảng 6 người trên mỗi ca nhiễm.

Khả năng xét nghiệm của Thủ đô Jakarta (Indonesia) ở mức 6 người tiếp xúc gần trên mỗi ca nhiễm. Nhiều địa phương khác thấp hơn, thậm chí một số nơi xét nghiệm 1 người tiếp xúc gần trên mỗi ca nhiễm.

Xét nghiệm người bán trong một khu chợ ở tỉnh Trung Java - Ảnh: Reuters

Có nhiều lý do khiến công tác truy vết đạt hiệu quả thấp. Bác sĩ Yakub nói: “Việc chúng tôi làm giống như nghề thám tử. Khi xuất hiện một trường hợp dương tính thì chúng tôi hỏi ngay bệnh nhân đã đi đâu, tiếp xúc ai. Nếu bệnh nhân hợp tác thì công việc rất dễ dàng. Đôi lúc gặp bệnh nhân không hợp tác, chẳng cung cấp thông tin gì thì phải tốn thời gian lẫn công sức tìm hiểu”.

Bác sĩ Mawar, người truy vết cấp cao, nhấn mạnh công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn cao: “Chúng tôi cần có sự cảm thông. Bản thân hoặc người thân nhiễm COVID-19 vốn đã là điều khó chấp nhận rồi, không nên ép buộc họ lúc tìm hiểu lịch sử tiếp xúc”.

“Lúc mới làm, chúng tôi thường nóng vội đưa xe cấp cứu đến nơi có trường hợp nghi nhiễm hay tiếp xúc gần, thu hút sự chú ý từ hàng xóm xung quanh. Chúng tôi học được rằng mọi người cảm thấy bị đe dọa và bất hợp tác nếu nhóm truy vết hành động như vậy. Vì vậy sau này, chúng tôi linh hoạt hơn: Liên hệ qua ứng dụng WhatsApp hay gọi điện thoại trước, họ có thể lựa chọn địa điểm cùng thời gian tiến hành xét nghiệm. Nếu trường hợp nghi nhiễm và tiếp xúc gần không muốn hàng xóm thấy thì họ có thể đến cơ sở xét nghiệm gần nhất, hoặc chúng tôi đến một địa điểm kín đáo như nhà thi đấu thể thao hay đền thờ Hồi giáo giúp họ xét nghiệm”, bác sĩ Mawar chia sẻ.

Dù bác sĩ Mawar rất cố gắng nhưng vẫn có người bất hợp tác: “Tôi thường xuyên bị chửi mắng. Chắc tôi đến không đúng lúc hoặc tâm trạng họ không tốt”.

Sinh viên y Anggara Widyartanto tình nguyện tham gia công tác truy vết cho biết trường hợp từ chối xét nghiệm thường là người lo sợ bị hàng xóm tẩy chay, người lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức, người tin vào hàng loạt tin giả như chính quyền trả tiền mặt cho đội ngũ truy vết nếu tìm ra người mắc bệnh. Thậm chí vài trường hợp nghĩ rằng COVID-19 chẳng hề tồn tại.

Bác sĩ Yakub từng nghĩ hành vi từ chối xét nghiệm hay tấn công đội ngũ truy vết chỉ xảy ra ở vùng sâu vùng xa. Ông thấy bất ngờ khi chuyện này lại xảy ra ngay tại Jakarta, người dân thủ đô lại nhẹ dạ tin vào thông tin giả trên mạng.

Đầu tháng 6.2020, chính quyền Indonesia cam kết nâng cao năng lực truy vết còn yếu kém. Nhà dịch tễ học Pandu Riono thuộc đại học Indonesia cho rằng nên tuyển thêm nhân lực, tuy nhiên bác sĩ Yakub xác định cần phải tìm cách thay đổi thái độ của người dân với xét nghiệm.

Cẩm Bình (theo Channel News Asia)