Mỹ - Trung khẩu chiến về Biển Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á
Chuyển động - Ngày đăng : 11:18, 10/09/2020
Tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á gồm ngoại trưởng 10 nước ASEAN, các đối tác EAS gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Tổng Thư ký ASEAN. Các nước tham gia EAS trao đổi tình hình khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả quốc gia. Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về diễn biến trên thực địa gần đây, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và thượng tôn pháp luật trong khu vực, đặc biệt trong lúc khu vực đang tập trung đối phó dịch bệnh.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại rằng, theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông năm 2016, Mỹ coi các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông là phi pháp, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington có kế hoạch chia sẻ thông tin chi tiết về những nỗ lực nhằm hỗ trợ một khu vực tự do và rộng mở tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 53 (AMM 53) và khởi động quan hệ đối tác với các nước trong khu vực sông Mekong.
Sau hội nghị, viết trên mạng xã hội Twitter, ông Pompeo đã nhấn mạnh về "an ninh và thịnh vượng" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. “Rất vui được tham gia cùng các đối tác từ các nước tại Hội nghị Ngoại trưởng Cấp cao Đông Á sáng nay. Mỹ cam kết kết hợp tác với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương để duy trì trật tự dựa trên luật lệ vốn đã tạo nền tảng cho an ninh và thịnh vượng tại khu vực trong hơn 70 năm”, ông Pompeo cho hay.
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi đã chỉ trích "những nỗ lực liên tục nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một động thái được cho là ám chỉ những hành động phi pháp của Trung Quốc tại các khu vực trên.
“Các quốc gia trong khu vực phải làm việc cùng nhau để cải thiện tình hình. Các quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, chẳng hạn như các quyền liên quan đến tự do hàng hải và hàng không”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trích lời ông Motegi.
Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích hành động của Mỹ phô trương lực lượng ở Biển Đông, làm leo thang nguy cơ xung đột khu vực, vì lợi ích chính trị của riêng mình. Ông nói Mỹ là "động lực lớn nhất của việc quân sự hóa Biển Đông", đồng thời lên án các biện pháp trừng phạt gần đây của Washington đối với các các công ty Trung Quốc liên quan trực tiếp đến các động thái xây đảo trái phép ở Biển Đông.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên khẳng định rằng các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc trong những năm qua chỉ nhằm cải thiện điều kiện sống và cung cấp hàng hóa công cộng cho Biển Đông, cũng như nhằm mục đích tự vệ. "Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Vương Nghị nói.
Trung Quốc thời gian qua đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.
Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ 2 nước tiếp tục xấu đi vì hàng loạt vấn đề, từ tranh chấp thương mại, đại dịch COVID-19 đến Hồng Kông và Biển Đông.
Chính phủ Mỹ gần đây đã liên tiếp gửi đi nhiều thông điệp chỉ trích Bắc Kinh về các hoạt động được miêu tả là "vi phạm luật pháp quốc tế", "bắt nạt các nước láng giềng" và "gây bất ổn" tại Biển Đông. Washington cho biết đang điều chỉnh lập trường đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông phù hợp với những nội dung trong phán quyết từ PCA.
Hoàng Vũ (theo Nikkei)