Có thể mở tài khoản ngân hàng bằng điện thoại di động
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:37, 10/09/2020
Thông tin trên được ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ngày hôm nay (10.9).
Ngân hàng Nhà nước dự kiến năm 2020, cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%. Tại nhiều ngân hàng, lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến chiếm tới hơn 90%. Hiện nay, gần 70% người dân đã có tài khoản ngân hàng, con số còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất.
Vì vậy, ông Dũng cho rằng việc người dân có thể mở tài khoản ngân hàng bằng điện thoại di động cần được thúc đẩy sớm để thực hiện mục tiêu tài chính điện tử của Chính phủ. Hiện không chỉ các ngân hàng thương mại mà cả hệ thống tài chính đang mong chờ xác thực khách hàng điện tử (eKYC).
"Để làm được điều này, mọi dịch vụ ngân hàng đều được làm trên chiếc điện thoại di động, chừng nào chúng ta không làm được điều đó có nghĩa là chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông cho biết với eKYC, nếu khách hàng mở tài khoản tại quầy thì không có giới hạn giá trị giao dịch, còn mở tài khoản eKYC thì giới hạn giao dịch sẽ là 200 triệu đồng/tháng. Vì vậy, trong tháng 9 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư về mở tài khoản điện tử. Khi eKYC ra đời, người dân có thể dùng điện thoại để mở tài khoản.
Trong thông tư này, ông Dũng cho biết với eKYC, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải kiểm tra số điện thoại giao dịch, chứng minh thư để đảm bảo không có việc người này mở tài khoản nhưng người khác lại giao dịch.
Trong khi đó, về mặt thuận lợi, giới chuyên gia cho rằng eKYC cho phép tiết kiệm thời gian, tiền bạc đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được như làm giả chứng minh thư, căn cước...
Mặt khác, việc người dân tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng cũng giúp Ngân hàng Nhà nước giám sát dòng tiền trong nền kinh tế tốt hơn và hỗ trợ cho công tác phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính vì mức độ xác thực và định danh khách hàng đạt tỷ lệ chính xác khá cao.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra với công cụ tài chính điện tử này chính là hành lang pháp lý, trong đó có hai vấn đề nổi cộm là hệ thống cơ sở dữ liệu định danh cá nhân và công nghệ xác thực đáp ứng yêu cầu.
Tuyết Nhung