Xung quanh chuyện nam cán bộ khăn đóng áo dài đến công sở ở Thừa Thiên - Huế

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 05:53, 11/09/2020

Việc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu nam cán bộ viên chức và cả các vị lãnh đạo bắt đầu mặc áo dài mỗi thứ hai đầu tháng tạo nên những luồng ý kiến trái chiều.
Áo dài từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam và là nét đặc trưng của cố đô Huế - Ảnh: U.B

Dĩ nhiên, trước khi đưa ra quyết định yêu cầu các nam cán bộ công nhân viên chức phải mặc áo dài ngũ thân đi làm trong ngày thứ hai đầu tháng, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải chuẩn bị trước kế hoạch và tham khảo ý kiến từ nhiều phía. Từ đó, chủ trương của Sở hầu hết được các cán bộ, công nhân viên chức đồng thuận thực hiện.

Ngày 7.9 vừa qua là ngày đầu tiên toàn thể cán bộ công chức khối văn phòng của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống đến công sở để dự lễ chào cờ, giao ban đơn vị trước khi bắt đầu tuần làm việc mới. Ngoài các cán bộ nữ mặc áo dài màu tím có họa tiết hoa sen thì những nam cán bộ của sở này đều mặc áo dài ngũ thân màu xanh đậm, đội khăn đóng.

Lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài đến công sở ngày 7.9 - Ảnh: U.B

Hình ảnh cán bộ nam mặc áo dài đi làm nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều ý kiến khen chê đã được đưa ra. Có ý kiến cho rằng cán bộ nam mặc áo dài đi làm là nét truyền thống, lịch thiệp đáng phát huy, nhưng cũng có ý kiến chê bai về sự lỗi thời, bất tiện, đồng thời tốn kém kinh phí.

Tài khoản có tên V.T.D bình luận rằng: “Đã rất lâu rồi mới nhìn thấy hình ảnh nam giới khoác lên mình bộ trang phục áo dài ngũ thân. Cách đây vài tháng, các trang báo có đăng tải hình ảnh ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc trang phục áo dài để tiếp đoàn khách quốc tế. Điều đó thể hiện nét văn hóa đặc trưng của kinh đô Huế và nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam. Thời gian tới, hy vọng các cơ quan công sở khác sẽ học theo để phát huy, tiếp nối truyền thống”.

Trong khi đó, một tài khoản khác lại phê bình: “Áo dài đối với những người làm công sở có phần bất tiện, thiết nghĩ chỉ nên áp dụng yêu cầu mặc áo dài đối với những cán bộ nữ vì đó đã thành truyền thống. Áo dài ngũ thân với nam giới khi đến công sở ngoài việc bất tiện sẽ phát sinh thêm một khoản kinh phí đáng kể”.

Những ý kiến trái chiều của dư luận về việc yêu cầu nam cán bộ mặc áo dài ngũ thân đi làm vào ngày thứ hai đầu tháng đều được lãnh đạo Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế tiếp thu và sẽ có điều chỉnh hợp lý hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài trong một lần tiếp khách quốc tế - Ảnh: U.B

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ rằng sau khi tham khảo ý kiến của các cán bộ, nhân viên trong đơn vị, Sở mới quyết định chọn ngày thứ hai đầu tiên của mỗi tháng và các ngày lễ truyền thống của ngành để yêu cầu cán bộ, nhân viên các khối văn phòng của sở mặc áo dài truyền thống đến cơ quan.

“Việc mặc áo dài truyền thống đối với nam cán bộ và cả nữ cán bộ nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và của xứ Huế nói riêng. Việc mặc áo dài truyền thống của nữ giới đã có từ lâu, còn đối với nam giới thì chuyện chọn áo dài ngũ thân, khăn đóng làm trang phục truyền thống là phù hợp, loại áo dài này đã ra đời tại Huế từ năm 1744 vào thời nhà Nguyễn từng được lấy làm quốc phục, tức là bộ trang phục này rất hoàn chỉnh, đồng thời có hàng trăm năm lịch sử”, ông Hải nhấn mạnh.

Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế lý giải thêm, áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân con tượng trưng cho người mặc, áo luôn có 5 cúc cài thể hiện Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín nhắc nhở người mặc phải luôn giữ tư cách đàng hoàng, sống đúng đạo lý.

Giám độc Sở VH-TT Phan Thanh Hải mặc áo dài đến cơ quan sáng 7.9 - Ảnh: S.V.H

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Việc nam giới mặc áo dài đến công sở làm việc là rất đáng khuyến khích, góp phần phát huy giá trị văn hóa. Đây không phải là bộ trang phục làm việc hằng ngày của công chức nhà nước mà là lễ phục trong dịp lễ, được mặc trong ngày làm lễ chào cờ đầu tiên của tháng”.

Theo ông Hoa, cần phân biệt rõ việc mặc áo dài trong những ngày lễ và những ngày làm việc bình thường trong tuần. “Việc mặc áo dài vào những ngày lễ rất trang trọng, để quảng bá và khẳng định bản sắc, còn những ngày làm việc trong tuần cán bộ vẫn mặc áo quần thông thường để làm việc, đây là hai vấn đề khác nhau”, ông Hoa nói.

Quế Sơn