Vợ chết vì ung thư, chồng bị suy tim nặng không lối thoát
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:43, 14/09/2020
Mẹ bị sát hại, con trai nguy kịch, nhưng cả gia đình chỉ có 3 triệu đồng
Sự sống phụ thuộc vào lòng hảo tâm của mọi người
Khoảng 10 năm trước, ông Trần Sâm (68 tuổi, quê ở TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) phát hiện mình bị suy tim, nhưng khi đó, vợ ông cũng vừa phát hiện bị ung thư vòm hầu họng nên ông gác lại chuyện điều trị bệnh suy tim của mình. Ông gom góp tiền để điều trị căn bệnh hiểm nghèo cho vợ. Bao nhiêu tài sản trong nhà “đội nón” ra đi, nhưng sau gần 1 năm điều trị, người vợ của ông cũng vĩnh viễn ra đi.
Nằm trên giường bệnh của Khoa tim mạch, Bệnh viện C Đà Nẵng, ông Sâm thều thào nói: “Tôi nhập viện từ đầu tháng 8.2020 đến nay đã điều trị hơn 1 tháng. Giờ đây tôi đã bị suy tim độ 3, sức khỏe rất yếu. Gần 2 năm qua, mỗi năm tôi đều nằm điều trị ở bệnh viện ít nhất là 6 tháng. Năm ngoái tôi điều trị ở Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng), nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên chuyển sang điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng”.
Ông Sâm cho biết, lúc phát hiện bị suy tim, bệnh chỉ ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thời điểm đó, vợ ông lại phát hiện bệnh ung thư vòm hầu họng. Gia đình dồn sức lực, tiền bạc để điều trị căn bệnh hiểm nghèo của vợ nên ông cũng bỏ liều bệnh của mình. “Lúc đó, tôi nghỉ dạy tích cóp được hơn 200 triệu đồng để lo cho vợ, nhưng vẫn không đủ phải vét sạch tài sản còn lại trong gia đình. Tuy vậy, vợ tôi cũng chỉ sống chưa đầy 1 năm thì mất”, ông Sâm nhớ lại.
Giờ đây, tài sản trong gia đình không còn, bệnh suy tim của ông Sâm ngày càng nặng. Từ 2 năm qua, bệnh suy tim đã chuyển sang độ 3, ông thường xuyên đau thắt ngực, khó thở phải nhập viện cấp cứu. Theo ông Sâm, cứ 2 đến 3 tháng là ông khó thở, ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Mỗi lần điều trị như thế kéo dài mấy tháng. Xuất viện về nhà được vài tháng lại đau thắt ngực, khó thở, ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu trở lại.
“Mỗi năm tôi phải nằm viện điều trị khoảng 6 tháng. Chi phí thuốc men mỗi tháng cũng hơn 10 triệu đồng, nhưng tôi làm gì có tiền. Nhiều bà con, anh em thấy thương cho hoàn cảnh, của ít lòng nhiều góp tiền ủng hộ, thậm chí nhiều anh, chị em Phật tử ở Chùa Lá (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng góp tiền gửi ra đây giúp tôi chữa bệnh. Lần này, bác sĩ nói tình trạng suy tim của tôi rất nặng, nếu được xuất viện thì về nhà phải mua máy tạo oxy để thở, chứ không lên cơn khó thở trong đêm là nguy hiểm đến tính mạng. Sự sống của tôi phụ thuộc vào lòng hảo tâm những người xung quanh, nhưng giờ đây cũng không còn tiền để điều trị bệnh nữa rồi”, ông Sâm nghẹn ngào nói.
Hãy để tôi vĩnh viễn ra đi
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện C Đà Nẵng, hiện bệnh nhân Sâm bị suy tim độ 3 khá nặng, tim chỉ còn hoạt động khoảng 30%. Sức khỏe bệnh nhân rất yếu, ngoài sử dụng thuốc tim mạch, ông còn phải thở oxy, truyền máu, vì tim bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ. Bệnh nhân cần một thời gian điều trị nữa mới ổn định, vì hiện tại có lúc khỏe nói chuyện được, nhưng có lúc mệt, khó thở lại phải thở oxy, rồi tim lại thiếu máu cục bộ phải truyền máu.
Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế, nhưng phải điều trị nhiều loại thuốc tim mạch, truyền máu, thở oxy… trong đó có nhiều thuốc không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế nên bệnh nhân phải trả tiền.
Sự sống của bệnh nhân giờ đây như ngọn đèn trước gió, bệnh tật có thể đe dọa đến tính mạng ông bất cứ lúc nào. Dù đang đối diện với cái chết, nhưng ông không muốn làm phiền đến những người có ý giúp đỡ mình, vì ông đã mắc nợ họ quá nhiều. “Xin hãy để tôi được vĩnh viễn ra đi, tôi tin tưởng mình sẽ về cảnh giới an lạc cùng với Lê Thị Xuân - người vợ hiền đức của mình”, ông vừa nói vừa đưa tay quệt nước mắt.
Trong cơn tuyệt vọng, không lối thoát, người đàn ông ấy gần như buông xuôi, chấp nhận cái đến chết. Dẫu vậy, cuộc đời này vẫn sẽ còn nhiều những bàn tay ấm áp, những tấm lòng chia sẻ có thể giúp ông tìm được “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.
Mọi sự giúp đỡ vui lòng liên hệ: Ông Trần Sâm (Khoa tim mạch, Bệnh viện C Đà Nẵng – số 122 đường Hải Phòng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), số điện thoại: 0905660227.
Hồ Quang