Lầu Năm Góc công bố báo cáo về tham vọng của quân đội Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 15:21, 14/09/2020
Báo cáo nhận định Trung Quốc đã "tăng cường các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị trong hai thập niên qua để củng cố và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc (PLA) về mọi mặt", đồng thời cho biết thêm rằng "Trung Quốc có thể đã vượt Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định”.
Lục quân (PLAGF)
Lục quân PLA - Ảnh: Getty
Báo cáo của Lầu Năm Góc chỉ ra lục quân Trung Quốc là lực lượng trực chiến lớn nhất thế giới với 915.000 binh sĩ tại ngũ thuộc 13 cụm quân chủ lực của 5 chiến khu chính: Miền Bắc, Miền Trung, Miền Đông, Miền Nam và Miền Tây. Ngoài ra còn có thêm hai chiến khu quân sự ở các khu vực xa xôi của Trung Quốc là Tân Cương và Tây Tạng. Trong đó, một quân đoàn gồm 78 lữ đoàn vũ trang tổng hợp, mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ.
Các lữ đoàn được tổ chức thành 3 loại: hạng nặng (xe tăng và xe bọc thép bánh xích), hạng trung (xe bọc thép bánh lốp) và hạng nhẹ (bộ binh, đường không, cơ giới).
Hải quân (PLAN)
Hải quân PLA - Ảnh: Getty
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, “Trung Quốc được cho là sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với 350 chiếc tàu và chủ yếu được trang bị các nền tảng đa chức năng, như vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không tiên tiến”. Các tàu này là một phần trong 3 hạm đội đồn trú ở chiến khu Bắc, Đông và Nam. Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng có 6 lữ đoàn thủy quân lục chiến và một lực lượng tác chiến trên không tuy nhỏ nhưng đang mở rộng dần.
Hải quân Trung Quốc đang có những dấu hiệu rõ ràng về tham vọng toàn cầu, trọng tâm chính là gia tăng các hoạt động phi pháp nhằm gia tăng ảnh hưởng chủ yếu tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Một điểm nóng chính cũng có thể kể đến đó là vùng biển Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh từ lâu vẫn coi là một phần lãnh thổ “không thể tách rời”.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Đài Loan, các tàu của chiến khu Đông và Nam sẽ trực tiếp tham gia, trong khi các tàu của chiến khu Bắc sẽ được điều động để bảo vệ lãnh hải Trung Quốc.
Không quân (PLAAF)
Máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Báo cáo của Lầu Năm Góc lưu ý rằng Trung Quốc có lực lượng không quân lớn nhất trong khu vực và thứ 3 thế giới. "Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp không quân các nước phương Tây trên nhiều lĩnh vực".
Hơn 800 trong tổng số khoảng 1.500 máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc được cho là máy bay chiến đấu thế hệ 4, có thể sánh ngang với các máy bay chiến đấu của phương Tây. Ngoài ra, không quân Trung Quốc cũng có một loại máy bay chiến đấu tàng hình đang biên chế và một loại máy bay ném bom tàng hình đang phát triển. Hầu hết các căn cứ không quân của Trung Quốc nằm ở phía nam và đông nước này.
Tên lửa
Một tổ hợp tên lửa trong lễ diễu binh ở Bắc Kinh năm 2015 - Ảnh: Reuters
Báo cáo nhận định Trung Quốc hiện sở hữu một trong những kho tên lửa đa dạng và lớn nhất thế giới. Các tên lửa thông thường của Trung Quốc có tầm bắn lên đến hơn 2.000km. Các tên lửa tầm trung sử dụng bệ phóng di động của Trung Quốc có thể tạo ra mối đe dọa đối với các tàu sân bay và tàu hộ tống Mỹ. Trung Quốc đã chế tạo được tên lửa có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn vươn đến các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam.
Theo báo cáo, Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào công nghệ tên lửa. Vào năm 2019, quân đội Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo để thử nghiệm và huấn luyện hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Tuy vậy, vẫn có sự khác nhau quan trọng khi so sánh về năng lực và chất lượng của khí tài của quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ được đánh giá là nhiều kinh nghiệm tác chiến hơn, sở hữu nhiều khí tài mạnh hơn. Mỹ cũng có một lực lượng lớn đồng minh trong khu vực. Quân đội Trung Quốc cũng vẫn phải đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như khó khăn trong việc sản xuất động cơ chất lượng cao và đối phó với tham nhũng và đấu đá nội bộ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo Business Insider)