Học giả Trung Quốc nói bị cấm đến Úc sau khi thả biểu tượng cảm xúc vào nhóm WeChat
Thế giới số - Ngày đăng : 21:30, 14/09/2020
Việc cơ quan an ninh quốc gia Úc hủy bỏ thị thực của hai học giả Trung Quốc khiến mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.
Một trong hai học giả bị cấm đến Úc, Trần Hoành gây sự chú ý gần đây vì đã chỉ trích Chính phủ Úc trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), ấn phẩm phụ của Nhân Dân nhật báo (People s Daily), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trần Hoành nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng ông chỉ trích Úc từ sau năm 2017 khi Canberra mở đầu cuộc tranh luận chính trị ồn ào về ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Tôi không nghĩ rằng Úc là một quốc gia nên kiềm chế tiếng nói. Trong lớp học của tôi, tất cả học sinh đều biết rằng tôi như là một người Úc”, Trần Hoành nói.
Trần Hoành dạy văn hóa Úc tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc), nơi ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Úc.
Trần Hoành đến thăm Úc lần đầu tiên khi mới 24 tuổi theo lời mời riêng của cựu thủ tướng Gough Whitlam thuộc đảng Lao động.
Ông Gough Whitlam thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc vào năm 1972, sau đó đứng đầu Hội đồng Úc – Trung Quốc của chính phủ, giúp tài trợ cho việc nghiên cứu văn học Úc trong các trường đại học Trung Quốc.
Vào tháng 8.2020, Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) đã yêu cầu hủy thị thực của Trần Hoành và Lý Kiến Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Úc tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Bắc Kinh, vì cho rằng họ là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Tổ chức tình báo an ninh Úc (ASIO) từ chối nêu lý do đưa ra nhận định này.
Trần Hoành cho biết ông và Lý Kiến Quân là thành viên của nhóm WeChat với một chính trị gia thuộc đảng Lao động ở bang New South Wales và nhân viên của ông này, người bị cảnh sát liên bang Úc đột kích vào nhà hồi tháng 6 trong một cuộc điều tra can thiệp từ nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các nhà báo Trung Quốc ở Úc cũng bị ASIO điều tra. Thế nhưng, ASIO từ chối bình luận về chuyện này. Chính quyền Úc nói bận tâm về sự can thiệp từ nước ngoài và ASIO hành động dựa trên bằng chứng.
Các tài liệu mà Tòa án Tối cao thu thập từ nơi ở nhân viên của chính trị gia New South Wales, người đang thách thức luật can thiệp từ nước ngoài, rồi nộp cho các trung tâm điều tra có trên một nhóm truyền thông xã hội tư nhân.
Trần Hoành nói rằng nhóm WeChat có hai nhà báo Trung Quốc, được sử dụng để tổ chức một bữa tối trong chuyến thăm của ông đến Sydney, Úc. Sau đó, những người tham dự bữa tối đăng ảnh và các bài báo. Trần Hoành nói rằng ông là thành viên ít hoạt động nhất và thường trả lời bằng biểu tượng cảm xúc hoặc meme.
Trần Hoành nói: “Tôi không thể thiết lập bất kỳ mối liên hệ từ xa nào giữa những gì tôi đang làm và những lời cáo buộc rằng tôi tạo thành nguy cơ với an ninh Úc”.
Đại học Western Sydney, nơi Lý Kiến Quân đang học tiến sĩ, tiết lộ với các sinh viên Trung Quốc trong một email rằng đang hỗ trợ ông tìm cách xử lý việc bị hủy bỏ thị thực.
Đại học Western Sydney nói với Reuters rằng Lý Kiến Quân có một “thành tích ấn tượng” và quyết định cấp thị thực là vấn đề của chính phủ.
Jocelyn Chey, cựu Tổng lãnh sự Úc tại Hồng Kông, người đã giúp thành lập Hội đồng Úc - Trung Quốc vào năm 1979, nói rằng Lý Kiến Quân là “một trong những người bạn tốt nhất của chúng tôi ở Trung Quốc”.
Jocelyn Chey tiết lộ với Reuters trong email: “Bất cứ khi nào tôi nghe anh ấy nói về Úc, điều đó rất tích cực”.
Hai viện sĩ Úc quen biết Trần Hoành rất ngạc nhiên trước những lời chỉ trích gần đây của ông với Chính phủ Úc.
Từng là giáo sư nghiên cứu về Úc tại Đại học Bắc Kinh, Greg McCarthy cho biết: “Theo quan điểm của người Úc, ông ấy dường như đang trượt giữa việc học tập và làm báo với đường lối của đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Greg McCarthy tin rằng Trần Hoành cảm thấy bị phản bội khi ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh trở nên tồi tệ hơn sau năm 2017.
“Trần Hoành bước vào giữa chính trường với nền tảng về văn học và một phiên bản lý tưởng hóa của Úc”, Greg McCarthy nói.
Trần Hoành bắt đầu học ở Úc vào năm 1991. Khi trở lại Thượng Hải năm 1994, trường đại học của Trần Hoành yêu cầu ông thông dịch cho cựu thủ tướng khác, Bob Hawke, trên đường công tác.
Greg McCarthy nói trường đại học của Trần Hoành đã khuyến khích ông “đa dạng hóa” văn học Úc, nên ông đã “mở rộng nghiên cứu sang các vấn đề chính trị và đối ngoại của Úc”.
Trần Hoành cho biết Thời báo Hoàn Cầu là tờ báo tiếng Anh duy nhất tạo cơ hội cho các bài viết của ông được đăng ở Trung Quốc và những lời chỉ trích của ông với Úc là nhằm cải thiện quan hệ hai nước. Trần Hoành tiếp tục viết về văn hóa Úc trên các tạp chí văn học Trung Quốc.
Trần Hoành đã đến Úc 6 lần trong năm 2019, trong đó có một chuyến đi theo lời mời của Đại sứ quán Trung Quốc, nơi tổ chức cho ba học giả Trung Quốc gặp gỡ các nhà tư vấn Úc, gồm cả Viện Chính sách Chiến lược Úc, được Bắc Kinh dán nhãn là chống Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc đã trả tiền vé máy bay 1.000 USD cho Trần Hoành, song Greg McCarthy nhận định: “Bạn không thể mua ai đó vì điều này”.
Nhân Hoàng