Dự báo lũ về nhỏ, ĐBSCL đón mùa khô khốc liệt
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:38, 17/09/2020
Ngày 17.9 Hội nghị Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn quả vùng ĐBSCL 2020-2021 đã diễn ra tại Tiền Giang. Tổng cục Thủy lợi cho biết tổng lượng nước tích lũy trên lưu vực sông Mekong từ đầu mùa mưa - ngày 1.6 đến tháng 8.2020 bình quân đạt gần 731mm, thấp hơn gần 22% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn 24% so với trung bình nhiều năm.
Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong từ tháng 9 đến hết năm 2020 khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Do vậy nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn. Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực vẫn có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%.
Nguồn nước về ĐBSCL có 95% là từ thượng lưu sông Mekong (bên ngoài lãnh thổ), tức chỉ có 5% từ nội sinh trong nước. Trong mùa khô (tháng 12 đến hết tháng 4 hàng năm) nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong. Kể từ đầu mùa mưa đến nay, dòng chảy trên lưu vực sông Mekong đều ở mức rất thấp do lượng mưa bị thiếu hụt.
Chế độ nước trong biển Hồ (Tonle Sap) ở Campuchia là nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện đang có mức trữ thấp (khoảng gần 9 tỉ m3), thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 23 tỉ m3, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỉ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỉ m3. Với nhận định trên, dự báo năm 2020 vẫn là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ.
Hơn 80.000 héc-ta cây ăn quả ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn trong mùa khô 2020-2021 - Ảnh: Thanh Nguyên
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, mùa khô 2019-2020, vùng ĐBSCL có khoảng 25.120 héc-ta cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, có 9.640 héc-ta sầu riêng; 5.740 héc-ta bưởi; 4.610 héc-ta chôm chôm; 2.340 héc-ta chanh; 100 héc-ta hồng xiêm và 2.650 cây ăn quả khác bị ảnh hưởng. Trong tổng số diện tích bị ảnh hưởng có khoảng 11.181 héc-ta bị thiệt hại trên 70%.
Vùng giáp biển thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất với khoảng 13.800 héc-ta (chiếm 55%); vùng giữa (bao gồm Tiền Giang, Vĩnh Long) là vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả của ĐBSCL có khoảng 8.800 héc-ta bị ảnh hưởng (chiếm 35%).
Nguyên nhân được xác định là do khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước. Nước mặn xâm nhập (rò rỉ, thẩm thấu) vào mương vườn ảnh hưởng nghiêm trọng trên những vườn không có đê bao khép kín. Nước tưới nhiễm mặn; cây bị sốc do môi trường bất lợi, cây suy kiệt…
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, dự báo mùa khô 2020-2021 tình hình có khả năng tương đương mùa khô 2015-2016. Diện tích cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn là khoảng 80.550 héc-ta (chiếm 23,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn ĐBSCL).
“Từ mùa khô hạn vừa qua, các vườn cây ăn trái vùng thượng nguồn và vùng giữa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long vẫn bị ảnh hưởng do vậy, thời gian tới cần rà soát, xác định diện tích cụ thể có khả năng bị ảnh hưởng để có giải pháp chỉ đạo phù hợp ngay từ đầu, bảo đảm vườn cây được an toàn trong mùa khô hạn…”, ông Tùng lưu ý. Cục Trồng trọt kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành lập các đoàn công tác sớm rà soát, đánh giá công tác khắc phục trước, trong và sau hạn mặn đối với vườn cây ăn quả. Đồng thời ban hành các giải pháp và tài liệu hướng dẫn đến các địa phương chủ động triển khai sớm trước mùa khô 2020-2021.
Sở NN&PTNT các địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc bộ tăng cường rà soát các diện tích khoanh vùng cụ thể theo từng chủng loại cây, từng khu vực. Khảo sát hệ thống công trình thủy lợi, cân đối nguồn nước, khả năng tích trữ của từng nhà vườn, của cộng đồng và có giải pháp cho từng vùng sản xuất.
Thanh Nguyên