Sóc Trăng: Làm rõ việc cô giáo khai gian dối để chiếm đoạt tiền tử tuất
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:03, 21/09/2020
Chiều 20.9 bà Trần Thị Kim Loan (51 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) nhận được kết quả giải quyết tố cáo từ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người bị tố cáo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (50 tuổi, giáo viên Trường THPT Hoàng Diệu, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) - người được cho là đã chiếm đoạt tiền tử tuất của ông Nguyễn Văn Vinh (chồng bà Loan).
Theo kết quả giải quyết tố cáo, trong tờ khai thân nhân của hồ sơ tử tuất, bà Linh khai anh ruột mình là ông Vinh không vợ, không con. Bà này cam kết: “Tôi cam kết tôi là người được các thân nhân thống nhất ủy quyền lập tờ khai thân nhân. Tôi xin cam đoan những nội dung kê khai trên là đầy đủ, đúng sự thật, nếu sai hoặc có khiếu nại về sau tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật” để nhận chế độ tử tuất.
Tuy nhiên, kết quả xác minh giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh tại UBND xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ là thật nên việc ông Vinh có vợ, con là có cơ sở.
“Do bà Linh khai ông Vinh không vợ, không con dẫn đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết chế độ tử tuất chưa đúng đối tượng. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã nhận chế độ tử tuất một lần”, văn bản thông báo kết quả giải quyết tố cáo nêu. Và Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu bà Linh phải trả lại trên 225 triệu đồng cho cơ quan này, hạn cuối là ngày 21.9.
Theo đơn tố cáo của bà Loan, bà với ông Vinh làm đám cưới và đăng ký kết hôn tại UBND xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) vào năm 1993. Hai người có một con gái sinh năm 1993, sống với bà Loan tại Cần Thơ vì ông Vinh công tác xa (Công an huyện Côn Đảo).
Tháng 8.2019 ông Vinh qua đời do bệnh. Bà Loan sau đó liên hệ Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thủ tục trợ cấp tử tuất của chồng nhưng nơi đây có văn bản trả lời rằng bà Nguyễn Thị Mỹ Linh đã nhận với tổng số tiền trên 225 triệu đồng.
Trong tờ khai nhân thân do bà Linh lập ra thì phần vợ, con của ông Vinh đều ghi chữ “không”. Trong 10 chữ ký trên tờ khai ghi anh, chị, em ruột của ông Vinh, có một chữ ký được cơ quan chức năng xác định không trùng khớp với chữ ký do ông N.V.U. (em trai ông Vinh) ký ra.
PV liên lạc với bà Linh nhưng cô giáo này không nói lý do không ghi tên vợ, con ông Vinh trong hồ sơ tử tuất. Bà cũng không nói lý do nhận tiền mà chỉ nói: “Muốn biết rõ anh cứ hỏi chị Loan”.
Trong tường trình gửi lãnh đạo Trường THPT Hoàng Diệu, bà Linh cho rằng tháng 6.2019, mẹ con bà Loan có đến nhà riêng của ông Vinh để thăm một lần. Ông Vinh sau đó nhập viện tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì mẹ con bà Loan chặn điện thoại của bà.
“Do anh Vinh sống một mình không vợ con, nên tôi phải trực tiếp chăm sóc anh tôi trong suốt 2 tháng. Ngày 14.8 (14.8.2019 - PV), tôi đến UBND xã Tân Hưng (nơi anh tôi cư trú) nhờ người giúp đỡ tìm vợ, con anh Vinh. Ông chủ tịch xã hứa sẽ giúp đỡ nhưng tôi đợi mãi không thấy ai đến nhận anh tôi là chồng, là cha”, bà Linh nêu trong tường trình.
Sau khi bị bà Loan tố cáo, bà Linh làm đơn gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xin trả lại tiền tử tuất. Tuy nhiên, bà Loan cho rằng việc bà Linh chiếm đoạt tiền tử tuất là vi phạm pháp luật. Vì vậy, ngoài việc trả lại tiền cho bà Loan, cơ quan chức năng cần phải xử lý nữ giáo viên môn Lịch sử của Trường THPT Hoàng Diệu theo đúng quy định của pháp luật.
“Chúng tôi không chỉ bức xúc trước việc bà Linh chiếm đoạt tiền tử tuất mà còn bức xúc vì không biết bà Linh làm thế nào mà ông Vinh làm di chúc giao thửa đất rộng trên 1.000m2 ở xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa cho bà ấy. Một điều mâu thuẫn trong di chúc là ghi ông Vinh lập di chúc trong lúc còn minh mẫn nhưng thật sự lúc đó ông ấy bị bệnh viện trả về để chờ chết. Năm sinh của ông Vinh là 1958 nhưng di chúc lại là 1956, còn xã Tân Hưng thì ghi là xã Phước Tân”, một người trong gia đình bà Loan bức xúc nói.
Hàm Yên