Chủ tịch JVE nói gì về dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh?
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:45, 22/09/2020
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết đề xuất cải tạo sông Tô Lịch đã được phía doanh nghiệp khởi động từ tháng 5.2019. Sau đó, phía Nhật Bản cũng đã đồng ý và đưa ra giải pháp cụ thể đối với việc cải tạo sông Tô Lịch. Hiện dự án trên đang ở giai đoạn đầu. Phía JVE mới báo cáo UBND Thành phố Hà Nội về chủ trương thực hiện và đang chờ văn bản trả lời chính thức từ lãnh đạo thành phố.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh phía công ty không “làm giàu hay kiếm tiền” từ sông Tô Lịch.Chủ tịch JVE cũng khẳng định phía doanh nghiệp và tổng thầu Nhật Bản không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với TP Hà Nội như việc phải cho ưu đãi thuế trong bao nhiều năm, hay nhà đầu tư sẽ được kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch hay để xuất thành phổ sẽ ưu đãi một số loại thuể...
"Sông Tô Lịch không phải là nơi JVE kiếm tiền, kiếm lợi nhuận hay cũng không phải là dự án mà phía Nhật Bản coi là nơi kiếm thặng dự. Nếu vì lợi nhuận thì JVE và tổng thầu Nhật Bản sẽ chọn hướng đầu tư khác chứ không đầu tư vào dòng sông Tô Lịch ô nhiễm này – nơi có vấn đề hết sức nhạy cảm ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội và cả nước, được dư luận quan tâm bấy lâu nay", ông Tuấn Anh nói.
Về những lo ngại liên quan tới tác động của dự án tới người dân xung quanh khu vực sông Tô Lịch, Chủ tịch HĐQT JVE cho biết quá trình triển khai sẽ không làm ảnh hưởng tới khu dân cư dọc chiều dài hai bên sông. Đơn vị triển khai sẽ tiến hành xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ theo hướng thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông nhằm tạo hành lang đi dạo. Ngoài ra, đơn vị cũng tính toán phương án thoát lũ, chống ngập bằng giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm thoát lũ chống ngập khổng lồ. Đây là hệ thống đã từng được áp dụng tại Tokyo (Nhật Bản).
Theo Chủ tịch JVE, dự án xuất phát từ tình cảm của Chính phủ Nhật Bản đối với nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung và từ cả phía doanh nghiệp JVE với cùng mục tiêu chung là quyết tâm thực hiện dự án để giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Cũng theo ông Tuấn Anh, nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, phía doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai dự án bắt đầu từ năm 2021-2026.
Trước đó, như Một Thế Giới đã thông tin, JVE đã có công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh.
JVE nhận định để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như thu gom nước thải, cấp nước cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão...
Do đó, doanh nghiệp này cho biết đã phối hợp cùng đối tác là một trong những tổng thầu lớn nhất Nhật Bản để xây dựng đề án giải pháp tổng thể cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Thời gian tới, JVE cho biết sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án cải tạo sông Tô Lịch.
Trong khi đó, chia sẻ với Một Thế Giới, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Chuyên gia văn hóa cho rằng đó là một ý tưởng hay nhưng để thực hiện thì cần cẩn trọng vì từ lý thuyết cho tới thực tế là cả một quãng đường dài.
"Chúng ta cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chia thành từng bước nhỏ, các nước khác như Anh, Pháp, Nhật... từ những dòng sông, dòng suối nhỏ họ cũng làm sống lại nền văn hóa cho người dân chiêm ngưỡng, tạo đà cho phát triển du lịch. Muốn biến một dòng sông đang ô nhiễm rất nặng thành không gian văn hóa thì phải làm cho nó hết ô nhiễm và sạch sẽ đã. Tôi ủng hộ ý tưởng này và cần có sự kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, kể cả xây dựng xong thì cần có nguồn kinh phí lớn để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên... chúng ta cần có nhìn nhận sâu sắc hơn để ý tưởng này đi vào thực tế cuộc sống", ông Trung nói.
Còn PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng đề xuất này là khá mạnh dạn và táo bạo vì một số quốc gia đã làm thành công để thu hút khách du lịch. Còn ở nước ta nếu đề xuất đó được triển khai và thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ mang đến cho Hà Nội sự mới mẻ, điểm nhấn trong việc tham quan, du lịch. Tuy nhiên đây chỉ là ý tưởng nên rất khó để góp ý.
Ông Hùng cho rằng cần thận trọng hơn khi quảng bá những phác thảo mô hình gắn liền với con sông di sản, việc này cần có chủ trương và quyết định một cách cụ thể từ nhiều cấp khác nhau chứ không thể làm nhẹ nhàng đơn giản được.
“Tôi cho rằng, việc này không hề đơn giản như ai đó đã bảy tỏ sự lạc quan. Giải quyết xong bước môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nếu chúng ta cứ vẽ ra nhưng không làm được thì ăn nói như thế nào, đấy là chưa bàn đến những phác thảo về không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá hai bên bờ sông”, ông Hùng nói.
Lam Thanh