Toan tính của ông Trump khi chọn Thẩm phán Tòa án Tối cao trước thềm bầu cử
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:04, 27/09/2020
Có 9 thẩm phán được bổ nhiệm trọn đời tại tòa và họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Việc thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời hồi tuần trước đã khiến Tòa tối cao Mỹ chỉ còn 8 người nên không thể ra phán quyết áp đảo trong các trường hợp hệ trọng và gây tranh cãi.
"Tôi nghĩ cuộc bầu cử năm nay sẽ kết thúc tại Tòa tối cao. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải nhanh chóng có 9 thẩm phán", Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 23.9.
Gần đây, ông Trump khi được hỏi đã không đưa ra cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho người kế nhiệm nếu ông thất bại trước đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử. Sự miễn cưỡng của ông Trump, theo ông, bắt nguồn từ lo ngại việc bỏ phiếu bầu sẽ không nghiêm túc. Tổng thống Mỹ luôn cho rằng việc bỏ phiếu bầu qua thư trên diện rộng có thể dẫn tới tình trạng gian lận bầu cử.
Ông không loại trừ khả năng kiện ra Tòa án Tối cao nếu thua cuộc. Tổng thống Trump có thể sẽ tạo ra các vụ tranh luận tại tòa liên bang về kết quả kiểm phiếu để kiếm đủ số phiếu đại cử tri nhằm tiếp tục ở lại Nhà Trắng.
Được biết, từng có một cuộc bầu cử tổng thống trước đây có kết quả do tòa án tối cao quyết định. Đó là cuộc tranh cử năm 2000 giữa George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ. Cả hai người này lúc đó đang so kè quyết liệt tại bang Florida khi ứng cử viên Bush chỉ nhỉnh hơn đối thủ vài trăm phiếu.
Tòa Florida yêu cầu kiểm đếm lại phiếu bầu, tuy nhiên Tòa tối cao liên bang đã ra phán quyết cấm việc kiểm đếm lại. Điều này gián tiếp trao 25 phiếu đại cử tri của bang Florida cho ông Bush, nâng tổng số phiếu đại cử tri của ông lên 271, hơn đúng 1 phiếu so với yêu cầu chiến thắng. Ông Al Gore khi đó đã được 266 phiếu đại cử tri và có nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đối thủ nhưng cuối cùng đành chấp nhận thua cuộc.
Phát biểu trong buổi lễ tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 26.9, Trump đã chính thức đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett thay thế bà Ginsburg tại Tòa án Tối cao. "Hôm nay, tôi rất vinh dự được đề cử một trong những bộ óc pháp lý lỗi lạc và tài năng nhất của đất nước chúng ta vào Tòa án Tối cao. Bà ấy là một phụ nữ có thành tích và trí tuệ vượt trội, bằng cấp cao và lòng trung thành bất khuất với hiến pháp", Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố.
Ứng viên do ông Trump đề cử sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phỏng vấn, xem xét trong khoảng 60 ngày về năng lực và tư cách. Thượng viện Mỹ sau đó sẽ bỏ phiếu phê chuẩn. Bà Barrett sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số thượng nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn.
Người được Trump đề cử nhiều khả năng sẽ được chọn, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện. Phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã phát tín hiệu sẽ nhanh chóng thông qua đề cử của ông Trump cho vị trí thẩm phán còn khuyết. Do các thẩm phán tối cao có nhiệm kỳ trọn đời, việc bổ nhiệm họ thường dẫn tới nhiều tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Việc ông Trump lựa chọn thẩm phán Barrett đặt đảng Dân chủ vào một tình thế khó khăn. Đảng Dân chủ đã chỉ trích việc chính quyền Trump muốn nhanh chóng bổ nhiệm thẩm phán tối cao trước ngày bầu cử tháng 11 sắp tới.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden kêu gọi Thượng viện từ chối xác nhận Barrett cho đến sau bầu cử tổng thống. "Thượng viện không nên bổ nhiệm vào vị trí khuyết này cho đến khi người dân Mỹ chọn tổng thống và quốc hội tiếp theo", Biden nói sau khi Trump tuyên bố đề cử bà Barrett.
Hiện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa tới ngày bầu cử. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên Joe Biden đang ra sức vận động tại các bang chiến trường và chuẩn bị cho các cuộc tranh luận trực tiếp được cho là đóng vai trò then chốt đối với chiến dịch tranh cử.
Hoàng Vũ (Tổng hợp)