Mỹ trừng phạt hãng chip lớn nhất Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận sự thật phũ phàng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:45, 28/09/2020
Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo cho các công ty nước này trong ngành công nghiệp chip về những hạn chế mới với xuất khẩu sang SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation), hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Giờ đây, các công ty Mỹ phải có giấy phép từ chính phủ để bán các sản phẩm, chẳng hạn phần mềm và thiết bị sản xuất chip, cho SMIC.
Trong một lá thư thông báo về các hạn chế mới cho các công ty Mỹ, Bộ Thương mại cho biết phải hành động vì hàng xuất khẩu cho SMIC gây ra "rủi ro không thể chấp nhận được", có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Lầu Năm Góc đưa ra đề xuất hạn chế SMIC vì lo ngại rằng công ty này đang tạo điều kiện cho sự tiến bộ công nghệ của quân đội Trung Quốc.
Trao đổi với Reuters, SMIC khẳng định không có quan hệ với quân đội Trung Quốc: “SMIC nhắc lại rằng chỉ sản xuất chất bán dẫn và cung cấp dịch vụ chỉ dành cho người dùng cuối theo hợp đồng dân sự, thương mại. Công ty không có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc và không sản xuất cho bất kỳ người dùng cuối thực hiện mục đích quân sự nào".
Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của của đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đăng bài xã luận tiêu đề Trung Quốc cần cuộc hành quân dài hơi về công nghệ sau cuộc tấn công của Mỹ vào SMIC với nội dung như sau:
Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp đặt các hạn chế xuất khẩu với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - SMIC sau khi kết luận rằng có "rủi ro không thể chấp nhận được" rằng thiết bị cung cấp cho họ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Dù SMIC thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc trên, thái độ của Washington trong việc loại bỏ nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc dường như đã hình thành từ trước.
Đây là chiến trường mới của Mỹ sau cuộc bao vây toàn diện nhằm vào Huawei nhằm làm tê liệt ngành công nghệ cao của Trung Quốc. Toàn bộ ngành công nghiệp thông tin được xây dựng trên nền tảng của ngành công nghiệp bán dẫn và Mỹ hoàn toàn kiểm soát được điều đó. Mỹ đã kiểm soát tầm cao và chỉ huy cuộc chiến công nghệ chống lại Trung Quốc. Không nghi ngờ gì nữa, Mỹ sẽ tận dụng lợi thế này hơn nữa.
Mỹ có thể chỉ huy các công ty chủ chốt của phương Tây nên kiểm soát được mức độ đáng kể với các chuỗi cung ứng và có thể cắt nguồn cung cấp chính cho các công ty công nghệ cao Trung Quốc bất cứ lúc nào. Đây là một mối đe dọa cơ bản với Trung Quốc.
Hiện tại, có vẻ như Trung Quốc sẽ cần phải kiểm soát tất cả các chuỗi nghiên cứu và sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ mất một thời gian để đạt được.
Trên thực tế, ngay cả khi bù đắp được một số điểm yếu và bất lợi thì Trung Quốc sẽ không được loại bỏ hoàn toàn vì đã đi sau Mỹ. Hơn nữa, hầu hết các nước phương Tây đều là đồng minh của Mỹ. Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ ở thế cân bằng vào thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia và công ty nhiều khả năng sẽ theo chân Mỹ trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Các thị trường khổng lồ ở Trung Quốc mang lại lợi ích to lớn cho cả Mỹ và phương Tây. Vì vậy, một sự tách biệt hoàn toàn của hai thị trường khó có thể xảy ra. Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy thị trường để nới lỏng lệnh phong tỏa của Mỹ. Tuy vậy, Trung Quốc cần lưu ý thực tế rằng, một thị trường đơn độc không thể quyết định toàn bộ cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ Huawei đến SMIC, người dân Trung Quốc nên tự nhận thấy đang phải đối mặt với cuộc chiến kéo dài chống lại sự đàn áp công nghệ cao do Mỹ dẫn đầu. Đây gần như là quá trình then chốt cho sự trẻ hóa quốc gia của Trung Quốc.
Để giành được sự tôn trọng của Mỹ với các quy tắc trong quan hệ Trung - Mỹ, Trung Quốc phải trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực quan trọng và hình thành các ràng buộc chéo với Mỹ. Chỉ riêng đòn bẩy thị trường (chẳng hạn như không mua nông sản Mỹ) là chưa đủ.
Trên thực tế, các công ty Huawei, ByteDance, Tencent đều đã có một số bước đột phá, thậm chí có những đổi mới quan trọng trong công nghệ ứng dụng. Song, nền tảng của toàn bộ ngành công nghiệp vẫn nằm trong tay người Mỹ. Ít nhất cho tới hiện tại, Trung Quốc phải nhảy vọt từ số 0 lên 1 để hỗ trợ vững chắc cho sự cạnh tranh của mình với Mỹ.
Trung Quốc cần chuẩn bị cho một "cuộc hành quân dài ngày mới", được định sẵn để trải qua những khó khăn trong những năm tới, nhưng chúng ta không cần phải hoảng sợ. Mỹ không thể đè bẹp chúng ta. Đã hơn hai năm rưỡi kể từ khi Mỹ nổ phát súng đầu tiên vào ZTE. Thực tế cho chúng ta thấy rằng dù làm gì thì Mỹ cũng không thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Chúng ta không được đánh giá thấp những khó khăn sẽ gặp phải trong cuộc chiến này. Chúng ta không nên ảo tưởng rằng một hoặc hai bước đột phá về cơ bản sẽ thay đổi tình hình. Trung Quốc cần khuyến khích toàn diện và cơ bản cho sự đổi mới. Chúng ta nên phát động một nỗ lực huy động toàn quốc. Từ quan điểm của xã hội, đổi mới không nên là một điều "mệt mỏi" mà được cho là "thú vị" và "rất bổ ích". Miễn là chính phủ đưa ra hướng dẫn chính sách cần thiết, các công ty sẽ có đầy đủ động lực để đổi mới. Điều này sẽ mang lại kết quả hiệu quả.
Trung Quốc phải đập tan những nỗ lực của Mỹ nhằm bóp nghẹt sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Khả năng nghiên cứu và phát triển kinh tế, công nghệ của Trung Quốc đã có một nền tảng vững chắc.
Nếu Trung Quốc không thể bước qua ngưỡng quyết định của đổi mới công nghệ, đó sẽ là sự sỉ nhục với trí tuệ, ý chí và sức bền của người dân. Nó cũng sẽ là sự xói mòn niềm tin chính trị của xã hội Trung Quốc. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát huy hết sức sáng tạo của người Trung Quốc.
Theo đó, Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận rằng Trung Quốc dù khắc phục điểm yếu và bất lợi thì vẫn đi sau Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn và nếu hai nước ở thế cân bằng vào thời điểm này thì hầu hết các quốc gia cùng công ty nhiều khả năng sẽ theo chân Mỹ trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Dù vậy, bài xã luận cho rằng, dù làm gì thì Mỹ cũng không thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi Trung Quốc cố gắng đập tan những nỗ lực từ Mỹ nhằm bóp nghẹt sự phát triển công nghệ nước này bằng trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn dân.
Nhân Hoàng