Từ ngày 15.11, ép người khác uống rượu bia bị phạt tới 3 triệu đồng
Sự kiện - Ngày đăng : 16:25, 28/09/2020
Ngày 28.9, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng vừa ký quy định từ ngày 15.11 tới đây sẽ có nhiều điểm mới về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu, bia.
Cụ thể, Nghị định 117 quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.
Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.
Các hành vi như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tâp và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1 - 3 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt 3 - 5 triệu nếu không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu bia thuộc quyền quản lý điều hành…
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy rượu bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. Rượu bia gây tác hại với cả người uống, người xung quanh đối tượng uống và với cả cộng đồng xã hội. Ngay sau khi uống bia, rượu, người uống có thể gặp tai nạn để lại thương tật cho bản thân, gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến mọi người, ngộ độc rượu bia... Sử dụng rượu bia cũng gây ra một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia... Uống rượu bia không kiểm soát được còn gây tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, làm suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Tại Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 với mục đích phòng tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra.
Tuyết Nhung