Sở Y tế TP.HCM lên tiếng việc các bệnh viện nhi không có thuốc điều trị tay chân miệng

Sự kiện - Ngày đăng : 12:25, 06/10/2020

Liên quan đến thông tin các bệnh viện nhi không có thuốc Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng, chống co giật ở trẻ, ngày 6.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết loại thuốc đã ngưng sản nhưng hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc cùng công dụng để thay thế. Vì vậy không có chuyện thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ.

Sở Y tế TP.HCM khẳng định, trong những ngày qua thông tin không có thuốc điều trị cho trẻ bị tay chân miệng, nhất là các trẻ bị biến chứng co giật là chưa chính xác, có thể gây hiểu lầm và hoang mang trong dư luận, nhất là các bà mẹ đang chăm sóc con bị tay chân miệng.

so-y-te-tphcm-len-tieng-viec-cac-benh-vien-nhi-khong-co-thuoc0dieu-tri-tay-chan-mieng-hinh-anh(1).png
 Các bệnh  viện nhi ở TP.HCM đã không còn thuốc tiêm Phenobarbital dùng trong điều trị bệnh tay chân miệng ở thể nặng - Ảnh: PV

Sở Y tế TP cho biết, thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/1ml là thuốc hướng thần thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Phenobarbital có tác dụng chống co giật, đặc biệt thường dùng cho trẻ sơ sinh trong điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng.

Hiện nay, trên thị trường chỉ có 1 loại thuốc tiêm Phenobarbital đang lưu hành là Danotan 100mg/ml (nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd, Hàn Quốc) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu và phân phối.

Tháng 6.2020, Sở Y tế đã nhận được công văn của Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố thông báo về dự kiến tình hình thiếu thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 ngưng nhập khẩu thuốc. Thuốc Danotan 100mg/ml đã nhập và bảo quản tại kho của nhà phân phối và các bệnh viện có hạn sử dụng đến ngày 27.9.2020.

Trước tình hình đó, Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị mua thuốc dự trữ và sử dụng đến hết hạn dùng của thuốc. Đồng thời, có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện.

Ngày 22.6.2020, Cục Quản lý Dược tại công văn số 8498/QLD-KD cho biết nhà sản xuất Daihan Pharm Co., Ltd ngưng sản xuất thuốc Phenobarbital 100mg/ml và Cục Quản lý Dược đã có văn bản đề nghị các công ty nhập khẩu thuốc liên hệ đối tác nước ngoài tìm nguồn cung ứng thuốc thay thế nhưng hiện nay vẫn chưa tìm được nhà cung cấp mới.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho biết theo phát đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế thì các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc chống co giật khác thay thế cho Phenobarbital trong tình hình chưa có thuốc tiêm Phenobarbital như hiện nay.

“Hiện nay thuốc tiêm Phenobarbital 100mg/ml không phải là thuốc chống co giật duy nhất trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng diễn biến nặng do Bộ Y tế ban hành. Phenobarbital là thuốc ưu tiên sử dụng cho trẻ em, với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ đã được các bác sĩ quen sử dụng cho bệnh nhi có chỉ định kể từ rất lâu. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các bệnh viện có thể sử dụng các thuốc khác hiện có trên thị trường như: Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng, trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác trong thời gian sớm nhất”, đại diện Sở Y tế TP nhấn mạnh.

Hiện Sở Y tế TP đã yêu cầu Hội đồng thuốc và điều trị của các bệnh viện chuyên khoa Nhi có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng thuốc thay thế Phenobarbital trong chống co giật ở trẻ em mắc bệnh tay chân miệng thể nặng trong giai đoạn hiện nay.

Cũng liên quan đến thuốc tiêm Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng, Cục Quản lý Dược cho biết đang chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung ứng mới Phenobarbital 100mg/ml và các bệnh viện chủ động sử dụng các thuốc chống co giật khác để điều trị thay thế.

Hồ Quang