Bất ngờ bệnh nhân Parkinson thoát khỏi ảo giác, tăng khả năng vận động nhờ kích thích não sâu
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:47, 06/10/2020
Chiều 6.10, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay các bác sĩ ở đây vừa điều trị thành công bệnh nhân mắc bệnh Parkinson bị ảo giác và cứng đờ không vận động được do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh Parkinson bằng phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu (DBS).
TS.BS Trần Ngọc Tài - Phó trưởng khoa thần kinh, trưởng Đơn vị rối loạn vận động, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân là ông N.M.P. (63 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng). Ông P. mắc bệnh Parkinson đã hơn 13 năm, hiện đang điều trị bằng thuốc levodopa với liều lượng 300mg (5 lần mỗi ngày). Ông P. còn được bổ sung thuốc đồng vận dopamine và thuốc chống ảo giác. Tuy nhiên, mỗi cữ thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng 2 đến 3 giờ. Khi thuốc hết tác dụng, chân của ông P. cứng đờ không đi lại được, khi thêm liều thuốc thì đi lại tốt nhưng bị ảo giác, hoang tưởng. Dù bác sĩ đã ngưng đồng vận dopamine nhưng tình trạng ảo giác vẫn còn.
Sau khi thăm khám, các sĩ ở đây đã chẩn đoán bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc levodopa. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu với hy vọng có thể giúp bệnh nhân giảm liều thuốc uống, thoát khỏi ảo giác, cải thiện triệu chứng vận động.
Theo bác sĩ Tài đây là một ca phẫu thuật não. Tại đây, các bác sĩ tiến hành dùng một dây điện mỏng, nhỏ và cách điện (được gọi là điện cực) đặt vào trong phần sâu của não. Điện cực được kết nối với một dụng cụ giống như máy tạo nhịp tim được đặt dưới da ở vùng ngực. Dụng cụ này dẫn truyền các tín hiệu điện tới một vùng trong não giúp kiểm soát vận động. Sự kích thích đối với vùng não này có thể cải thiện giai đoạn “tắt” và giảm loạn động. “ Thật bất ngờ, sau khi được phẫu thuật kích thích não sâu, sức khỏe ổn định hơn, hết ảo giác, hoang tưởng, giảm thiểu triệu chứng “bật - tắt” và giảm lượng thuốc levodopa chỉ còn 100mg (3 lần mỗi ngày)”, bác sĩ Tài hồ hởi cho biết.
Bác sĩ Tài cho biết thêm: “Sau phẫu thuật kích thích não sâu, bác sĩ cần phải điều chỉnh kích thích thông qua máy kích thích thần kinh, và điều chỉnh thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất. Thông thường sự điều chỉnh tối ưu đạt được sau phẫu thuật khoảng 3 đến 6 tháng. Phương pháp này được đánh giá là một thủ thuật an toàn nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ như xuất huyết, đột quỵ trong lúc phẫu thuật hoặc các tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua do sự kích thích như tăng cân, khó tìm từ, giảm chất lượng lời nói…”
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển nặng dần theo thời gian, với các dấu hiệu thường gặp như: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và thăng bằng… Vì vậy, người bệnh Parkinson gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa lành hoặc làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn.
Người bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu chủ yếu là dùng thuốc. Trong khoảng 4 đến 5 năm đầu tiên sau khi khởi phát bệnh, thuốc thường phát huy hiệu quả suốt cả ngày. Tuy nhiên, khi bệnh Parkinson tiến triển nặng hơn, hiệu quả của thuốc không kéo dài cho đến liều kế tiếp (còn gọi là hiện tượng “dao động vận động”).
Khi thuốc hết tác dụng, các triệu chứng của bệnh như run, chậm vận động, đi lại khó khăn có thể xuất hiện trở lại. Khi người bệnh uống liều thuốc kế tiếp, các triệu chứng lại cải thiện và khoảng thời gian hiệu quả tốt này được gọi là giai đoạn “bật”, trong khi khoảng thời gian mà triệu chứng nặng lên được gọi là giai đoạn “tắt”. Người bệnh cũng có thể xuất hiện các cử động không tự ý (như xoắn vặn, xoay) được gọi là loạn động. Những cử động này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.