Ngân hàng Thế giới đổ lỗi Trung Quốc gây khủng hoảng nợ cho nhiều nước

Quốc tế - Ngày đăng : 13:21, 07/10/2020

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã kêu gọi các quốc gia giàu có, trong đó có Trung Quốc, xóa nợ cho các quốc gia nghèo để giúp những nước này vượt qua khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Tài chính và quản lý Frankfurt (Đức) tổ chức hôm 6.10, Chủ tịch WB David Malpass đã đổ lỗi Trung Quốc đã góp phần gây khủng hoảng nợ tại một số quốc gia, cũng như cáo buộc Trung Quốc không tham gia đầy đủ Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 - diễn đàn quốc tế dành cho các Chính phủ và Thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Malpass, làn sóng rắc rối liên quan nợ tại châu Phi và các nền kinh tế đang phát triển ở những khu vực khác là kết quả từ "sự gia tăng nhanh chóng các bên cho vay chính thức mới, đặc biệt một số chủ nợ có vốn hóa tốt của Trung Quốc".

"Họ đã mở rộng danh mục đầu tư của mình nhanh chóng và không tham gia đầy đủ các quá trình tái cấu trúc nợ được phát triển nhằm xoa dịu các đợt sóng nợ trước đây", ông Malpass - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho hay.

david-malpass-2(1).jpeg
Chủ tịch WB David Malpass phát biểu tại một sự kiện của G20 - Ảnh: CNBC

G20 đã khởi động DSSI hồi tháng 4 năm nay. Sáng kiến này đưa ra cơ chế tạm hoãn thanh toán nợ từ ngày 1.5 đến cuối năm 2020 đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp gồm đa số các nước trong số đó thuộc châu Phi, một số khác thuộc châu Á vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, 43 quốc gia nhận được khoảng 5 tỉ USD từ DSSI để hỗ trợ ứng phó dịch bệnh trong các lĩnh vực về xã hội, y tế và kinh tế. Nhóm G7 (gồm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới) cũng hỗ trợ việc mở rộng sáng kiến này cho các quốc gia nghèo nhất thế giới đến sau năm 2020.

Tuy nhiên, ông Malpass cho rằng "quá nhiều chủ nợ không tham gia vào sáng kiến này, khiến việc giảm nhẹ nợ không thể đáp ứng nhu cầu về tài chính từ đại dịch bất bình đẳng quanh chúng ta". Do việc các quốc gia đóng vai trò là “chủ nợ” chỉ cho phép “con nợ” thanh toán nợ theo dạng "hoãn" chứ không phải "cắt giảm" nên không thể có "ánh sáng ở cuối con đường nợ nần" hiện nay, theo chủ tịch Malpass.

"Với mức độ ảnh hưởng của đại dịch, tôi tin rằng chúng ta cần khẩn trương cung cấp việc cắt giảm nợ hợp lý đối với những nước đang đối mặt khủng hoảng nợ", ông nói.

Trung Quốc hiện là chủ nợ song phương lớn nhất của đa số các nước đang phát triển. Trong số các quốc gia tham gia kế hoạch thanh toán nợ của G20 từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay, 70% khoản thanh toán nợ từ các nước nghèo (tương đương 7,17 tỉ USD) là chi trả cho Trung Quốc. Số tiền này dự kiến tăng lên 10,51 tỉ USD, tương đương 74% tổng số vào năm tới nếu DSSI được gia hạn.

Các nước G7 đã thường xuyên chỉ trích việc Trung Quốc liệt kê các tổ chức tài chính quốc doanh, thuộc quản lý của chính phủ, là các bên cho vay thương mại không phải chủ nợ song phương chính thức”.

Được biết, các doanh nghiệp, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc trong nhiều năm qua, đã trở thành nhà đầu tư và cho vay lớn trên thế giới, bao gồm những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Tại châu Phi, sáng kiến này đang đẩy nhiều quốc gia chìm ngập trong hố nợ sâu không đáy. Theo thống kê của Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi, từ năm 2000 đến 2017, Trung Quốc cho các nước châu Phi vay khoảng 143 tỉ USD. Khoảng 80% đến từ các tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Kenya vay Trung Quốc khoảng 9,8 tỉ USD để phát triển hạ tầng. Phần lớn các dự án lớn tại nước này đều do các công ty Trung Quốc xây dựng. Gần đây, truyền thông Kenya gây chấn động khi đưa tin chính quyền Kenya thế chấp cảng Mombasa khi vay 3,2 tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt 470km từ Mombasa đến thủ đô Nairobi. Trong trường hợp Kenya không thể trả nợ, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp quản cảng Mombasa. Đây là một trong những hải cảng lớn và đông đúc nhất Đông Phi.

Không chỉ tại châu Phi, Sri Lanka, quốc gia Nam Á cũng phải giao quyền quản lý cảng Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng cho thuê kéo dài 99 năm. Kịch bản tương tự cũng xảy ra với cảng Gwadar ở Pakistan khi quốc gia này nợ Trung Quốc tới 10 tỉ USD chi phí xây dựng cảng và một số hạ tầng khác, vì vậy chính quyền Pakistan đã ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng trong 40 năm để trừ nợ.

Tổ chức Trung tâm vì phát triển toàn cầu (Mỹ) hồi năm 2018 công bố nghiên cứu đánh giá về BRI, xác định 23 quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Trong nhóm này, Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan được xếp hạng “rủi ro cao”. Đến nay, đại dịch COVID-19 tàn phá kinh tế toàn cầu, tiếp tục gây thêm áp lực cho những nước chưa thể trả các khoản vay của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu từ các nước phương Tây, cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng thao túng những người nghèo, các quốc gia đang phát triển với khoản nợ không bền vững, và đang tìm cách sử dụng điều này để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị.

Về phần mình, phía Trung Quốc cho biết, các khoản vay của họ rất được hoan nghênh và rất cần thiết, và chỉ ra rằng họ cung cấp cho các nước nghèo các khoản vay mà không có điều kiện tiên quyết về chính trị và cung cấp tiền cho những quốc gia mà các nhà tài trợ phương Tây bỏ qua.

Hoàng Vũ