Nobel Hóa học 2020 cho nghiên cứu về chỉnh sửa gien

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:55, 07/10/2020

Giải Nobel Hóa học 2020 được trao cho các nhà khoa học Jennifer A. Doudna và Emmanuelle Charpentier vì phát triển phương pháp chỉnh sửa gien, giúp "viết lại mã sự sống".

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố những người chiến thắng giải thưởng Nobel Hóa học 2020 tại Stockholm lúc 11 giờ 45 ngày 7.10 (giờ địa phương).

Theo đó, giải thưởng được trao cho hai nhà khoa học nữ  Jennifer A. Doudna và Emmanuelle Charpentier. Giải thưởng danh giá đi kèm với huy chương vàng và số tiền thưởng trị giá hơn 1,1 triệu USD sẽ được chia đều cho hai nhà khoa học.

nobel-hoa.jpg
Hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna (từ trái qua phải) được vinh danh cho giải Nobel Hóa học 2020 - Ảnh: Twitter

Doudna là một nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực được gọi là "cuộc cách mạng CRISPR" do công việc cơ bản của bà và lãnh đạo trong việc phát triển chỉnh sửa bộ gien qua trung gian CRISPR.

Năm 2012, Doudna cùng Emmanuelle Charpentier là những người đầu tiên đề xuất rằng CRISPR-Cas9 (enzym từ vi khuẩn kiểm soát khả năng miễn dịch của vi sinh vật) có thể được sử dụng để chỉnh sửa lập trình được cho bộ gien. Sử dụng công cụ này, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi ADN của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác cao.

Ông Göran K. Hansson, Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển gọi đây là "công cụ viết lại mã sự sống", ca ngợi ảnh hưởng cách mạng của công nghệ này đến đời sống khoa học. Thành tựu của hai nhà khoa học góp phần vào các liệu pháp điều trị ung thư sáng tạo và có thể biến giấc mơ chữa khỏi các bệnh di truyền thành hiện thực.

Giải Nobel Hóa học năm 2019 đã gọi tên ba nhà khoa học John B. Goodenough, M. Stanley Whittingham và Akira Yoshino. Mỗi người trong họ đều đã có một đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển thành công pin lithium-ion và đưa nó vào phổ biến trong cuộc sống.

Từ năm 1901-2019, giải Nobel Hóa học đã được trao 111 lần, 63 lần chỉ có một người nhận giải. Trong số những người được vinh danh, có 5 phụ nữ. Nhà hóa học Frederick Sanger là người duy nhất đến nay hai lần đoạt giải Nobel Hóa học vào các năm 1958 và 1980.

Trước đó vào ngày 5 và 6.10, các giải Nobel Y sinh và Nobel Vật lý đã lần lượt được công bố. Theo đó, Nobel Y sinh 2020 được trao cho các nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice với nghiên cứu về vi rút gây ra viêm gan C. Giải Nobel Vật lý 2020 được trao cho các nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez với những phát hiện về hố đen, một trong những vật thể bí ẩn nhất vũ trụ.

Những giải thưởng Nobel thường được công luận chăm chú theo dõi nhiều hơn là Nobel Văn học và Nobel Hòa bình, sẽ được trao lần lượt trong các ngày 8 và 9.10. Sau đó, như thường lệ, giải Nobel Kinh tế trao ngày 12.10 sẽ khép lại mùa Nobel 2020.

nobel2.jpg
Chiếc huy chương bằng vàng được trao cho những người đoạt giải Nobel

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển. Giải thưởng được trao cho những cá nhân đạt thành tựu trong lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y học, Văn học và Hòa bình; đặc biệt là giải Hòa bình có thể được trao cho tổ chức hay cho cá nhân.

Vào năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Khoa học kinh tế, còn gọi là giải Nobel Kinh tế, theo di chúc của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895. Giải Nobel Hòa bình được trao thưởng ở Oslo, Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển.

Kết quả đoạt giải được công bố hàng năm vào tháng 10 và được trao (bao gồm tiền thưởng, một huy chương vàng và một giấy chứng nhận) vào ngày 10.12, ngày kỷ niệm ngày mất của Nobel. Giải Nobel được thừa nhận rộng rãi như là giải thưởng danh giá nhất một người có thể nhận được trong lĩnh vực được trao.

Long Hải