Biện pháp khắc phục tình trạng nhập khẩu, kinh doanh dầu nhờn không đạt chất lượng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 07/10/2020
Tại tọa đảm online do Chất lượng Việt Nam tổ chức về “Đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN14:2018/BKHCN”, ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH-CN) cho biết từ khi Bộ KH-CN ban hành QCVN 14:2018/BKHCN về dầu nhờn động cơ đốt trong đã giúp cho minh bạch về chất lượng, nhãn hàng hóa dầu nhờn động cơ.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng bên cạnh đa phần các loại dầu nhờn động cơ của các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, vẫn còn hiện tượng dầu nhờn động cơ không phù hợp QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) trong nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.
Dầu nhờn đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ của động cơ đốt trong. Tuy dầu nhờn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe nhưng phần lớn các trường hợp hư hỏng động cơ xe bắt nguồn từ việc sử dụng dầu nhờn không đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Tuấn Tú - Trưởng phòng thử nghiệm Xăng-Dầu-Khí (QUATEST 1) khuyên người tiêu dùng muốn lựa chọn loại dầu phù hợp thì nên tìm hiểu về xe của mình trong catalog.
Cụ thể, theo ông Tú, xe máy dùng động cơ cho xăng, ô tô có hai loại là động cơ cho máy xăng hoặc máy dầu. Ví dụ trong catalog khuyến cáo xe nên sử dụng loại SG hay SF thì người tiêu dùng nên chọn đúng loại cho phù hợp; bởi dù dầu có tốt nhưng không đúng chủng loại cũng sẽ phản tác dụng.
Nắm vững các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
Để khắc phục tình trạng nhập khẩu dầu nhờn động cơ không đạt chất lượng, đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa khuyên doanh nghiệp cần nắm vững và hiểu biết rõ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, những điều cấm của pháp luật về chất lượng hàng hóa; nắm vững và hiểu biết rõ các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bao gồm các yêu cầu về kỹ thuật, quản lý, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản, sửa dụng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có biện pháp phối hợp với đối tác kinh doanh, các cơ quan liên quan để kiểm soát chất lượng đảm bảo theo QCVN từ trước, trong quá trình nhập khẩu và trước khi đưa ra lưu thông để hạn chế rủi ro về chất lượng hàng hóa. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chấp hành và thực hiên nghiêm túc các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi có sự cố về chất lượng không đảm bảo theo QCVN, để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp, người sử dụng và môi trường.
Được biết, mục đích của việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về dầu nhờn, động cơ đốt trong nhằm nâng cao, xây dựng quản lý, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các cơ sở kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước và dầu nhờn. Kể từ ngày 15.9.2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.
Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế trong nước phải thực hiện công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường…
Bên cạnh các chỉ tiêu hóa lý bắt buộc và mức giới hạn, QCVN 14:2018/BKHCN còn nêu rõ các loại phụ gia sử dụng để pha chế dầu nhờn trong động cơ đốt trong phải đảm bảo phù hợp các quy định về an toàn, sức khỏe, môi trường, không được gây hỏng cho động cơ cũng như hệ thống tồn trữ, bảo quản, vận chuyển và phân phối sản phẩm.
Về ghi nhãn, dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông trên thị trường phải đảm bảo việc ghi nhãn theo quy định hiện hành. Trường hợp dầu nhờn động cơ đốt trong được đóng gói sẵn, trên bao bì của dầu nhờn động cơ đốt trong phải ghi nhãn rõ ràng, dễ đọc. Nhãn gắn trên bao bì và không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển. Theo đó, nội dung tối thiểu của nhãn bao gồm tên hàng hóa (ghi rõ động cơ sử dụng); xuất xứ hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; đặc tính kỹ thuật…