Từ đàn bò tót lai đói trơ xương nghĩ về đạo đức nghiên cứu khoa học
Góc bình luận - Ngày đăng : 14:49, 08/10/2020
Năm trước, tôi gặp giáo sư Michele Ford (Đại học Sydney, Australia) tại một hội nghị ở TP.HCM. Khi bàn về chủ đề “Đạo đức trong nghiên cứu khoa học”, giáo sư Michele Ford tỏ ra khá ngạc nhiên và tức giận khi thấy nhiều nhà khoa học Việt Nam tỏ ra thờ ơ. Có người còn công khai bày tỏ quan điểm cho rằng ở Việt Nam, “đạo đức nghiên cứu khoa học” là một khái niệm còn xa lạ. Giáo sư Ford nói rằng một quốc gia không quan tâm coi trọng đạo đức nghiên cứu thì nền khoa học rất khó phát triển.
Đạo đức nghiên cứu khoa học được hiểu là các nguyên tắc, các chuẩn mực mà nhà nghiên cứu phải tuân thủ. Ở từng quốc gia, từng giai đoạn lịch sử cũng có những quan điểm tương đối khác nhau về nội hàm khái niệm này. Nhưng tựu trung lại, các nhà khoa học đúc kết đạo đức nghiên cứu bao gồm: sự trung thực trong nghiên cứu; đảm bảo tôn trọng quyền tác giả và đồng tác giả; tránh tác động tiêu cực của nghiên cứu đối với con người hoặc động vật; sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, minh bạch; kết quả nghiên cứu hướng tới lợi ích của cộng đồng...
Nhìn ở các phương diện vừa nêu, chúng ta dễ dàng nhận thấy ở Việt Nam hiện nay vấn đề đảm bảo đạo đức nghiên cứu đang hết sức đáng báo động. Thời gian qua không ít các vụ án đạo văn được phanh phui khiến dư luận nghi vấn về tính trung thực của các nhà nghiên cứu. Điều đáng nói là đa số các trường hợp này sau vài cuộc tranh luận thì lại “chìm xuồng” khiến xã hội cũng khó biết tường tận thực hư đen trắng ra sao.
Mặt khác, đa số các nghiên cứu ở nước ta hiện nay được thực hiện bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Mặc dù vậy, các công trình nghiên cứu đạt kết quả tốt, có khả năng ứng dụng cao để phục vụ cộng đồng chưa thực sự tương xứng với nguồn kinh phí được đầu tư. Nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu xong thì xếp xó vì không thể nào chuyển giao kết quả vào thực tế được.
Gần đây nhất, đề tài nghiên cứu khoa học “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” do Trung tâm Ứng dụng Khoa học - Công nghệ tỉnh Lâm Đồng chủ trì, ông Lê Xuân Thám (nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài lại khiến dư luận "sục sôi". Nhìn dưới góc độ đạo đức nghiên cứu, đề tài này có nhiều vấn đề bất ổn.
Trước hết, để thực hiện đề tài nghiên cứu này, ông Lê Xuân Thám đã sử dụng đàn bò tót lai để làm đối tượng nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu không biết ra sao, nhưng chủ nhiệm đề tài và cộng sự để cho đàn bò tót này đói đến trơ xương, kiệt quệ như thế là không thể chấp nhận được. Đó là minh chứng cho thấy, tác động của nghiên cứu đã ảnh hưởng tiêu cực đến đàn bò.
Trên thực tế, có những nghiên cứu tác động tiêu cực đến động vật, nhưng đó là những tác động ngoài ý muốn của nhà nghiên cứu. Ví dụ, chúng ta tiêm loại vắc xin thử nghiệm cho chuột bạch, nếu vắc xin ấy khiến cho chuột bạch chết, thì đó là điều nằm ngoài ý muốn. Cái chết của chuột bạch có đóng góp quan trọng để chúng ta điều chỉnh công thức pha chế vắc xin, để từ đó đưa ra loại vắc xin tối ưu.
Nhưng với đề tài nghiên cứu lai tạo giống bò tót để có nguồn gen mới do ông Thám thực hiện thì không cần gì phải “ngược đãi” đàn bò như thế. Việc bỏ đói đàn bò không có giá trị gì đến nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài này. Nói cách khác, tác động xấu của nghiên cứu đến đàn bò tót lai này là do sự thiếu trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài. Điều này vi phạm đạo đức nghiên cứu nói riêng và đạo đức xã hội nói chung.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí gần 5 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho dự án này là số tiền không hề nhỏ. Dư luận quan tâm không biết chủ nhiệm đề tài đã sử dụng nguồn kinh phí này như thế nào mà vẫn không đạt kết quả nghiên cứu như mong muốn, phải điều chỉnh mục tiêu ban đầu là “từ 10 con bò tót F1 lai tạo ra 40 con bò tót F2, trong đó có 5 con đực” thành “từ 10 con bò tót F1 lai tạo ra 3 con bò tót F2 trong đó có 1 con đực”. Việc điều chỉnh này cho thấy kết quả nghiên cứu chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, những con bò tót lai F1 được dân chúng xung quanh đó thuần dưỡng, chẳng cần nguồn kinh phí đầu tư nào từ Nhà nước, vẫn cho ra nhiều thế hệ con lai F2 và F3 khỏe mạnh, tráng kiện. Nếu việc lai tạo quá khó, đề tài không thể thực hiện được thì chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông, vì trong thực tế có những đề tài không như dự kiến của nhà nghiên cứu.
Nhưng ở đây việc lai tạo không khó, bằng chứng là người dân thường không có bằng cấp chuyên môn hay học hàm học vị cao mà vẫn làm được, tại sao ông Thám và những cộng sự trình độ cao về lĩnh vực này với một nguồn kinh phí gần 5 tỉ đồng mà lại không làm được? Việc sử dụng nguồn kinh phí khổng lồ từ nguồn thuế của người dân mà không tạo ra giá trị tương xứng đó là sự lãng phí, là vi phạm đạo đức của nhà nghiên cứu.
Trên thực tế, hiện nay việc cấp phát kinh phí cho nghiên cứu khoa học ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự không đồng đều trong việc phân bổ kinh phí giữa các đề tài khiến cho những đề tài có tính ứng dụng cao không thể thực hiện được, dẫn tới “phá sản”. Trong khi đó, một số đề tài được “sự ưu ái” quá mức, dẫn đến việc lãng phí nguồn ngân sách mà kết quả không như mong muốn. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần minh bạch hơn trong quá trình xét duyệt các đề tài, các dự án nghiên cứu khoa học cũng như việc cấp phát và sử dụng nguồn kinh phí.
Từ đề tài nghiên cứu gây phản ứng gay gắt trong dư luận như đề tài của ông Lê Xuân Thám nêu trên, có lẽ chúng ta nên nghiêm túc bàn luận về đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Phải mạnh dạn xác định, việc vi phạm đạo đức nghiên cứu, nhất là các vấn đề tác động tiêu cực đến con người hay động vật, vấn đề sử sụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu, vấn đề đạo văn... không chỉ thuộc về trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài, mà nó còn là trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân bình duyệt đề cương/mô hình/kinh phí và Hội đồng Nghiệm thu kết quả nghiên cứu đó.