Anh tìm ra bằng chứng Huawei cấu kết với nhà nước Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 15:00, 08/10/2020

Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh hôm 8.10 tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng cho thấy Huawei thông đồng với nhà nước Trung Quốc. Qua đó, Anh có thể cần phải loại bỏ tất cả thiết bị của Huawei sớm hơn kế hoạch.

“Phương Tây phải khẩn trương đoàn kết để tạo đối trọng với sự thống trị công nghệ của Trung Quốc”, Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Anh thông báo, đồng thời nói thêm rằng sự phát triển có thể thúc đẩy Anh loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G sớm nhất vào năm 2025.

Theo BBC, Ủy ban quốc phòng công bố phát hiện của mình dựa trên lời các học giả, chuyên gia an ninh mạng và những người trong ngành viễn thông cùng một số nhà phê bình kỳ cựu.

Báo cáo trích dẫn lời một nhà đầu tư mạo hiểm tuyên bố Chính phủ Trung Quốc "đã tài trợ cho sự phát triển của Huawei khoảng 75 tỉ đô la (57 tỉ bảng Anh) trong 3 năm qua", cho phép hãng này phá giá các sản phẩm của mình để bán với giá thấp "một cách nực cười".

Một nhà nghiên cứu về các bất thường của công ty ở Trung Quốc cáo buộc rằng Huawei đã "tham gia vào nhiều hoạt động tình báo, an ninh và sở hữu trí tuệ" dù liên tục phủ nhận.

Ủy ban kết luận: “Rõ ràng là Huawei có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc, bất chấp những tuyên bố của họ ngược lại. Điều này được chứng minh bằng mô hình sở hữu của Huawei và các khoản trợ cấp mà nó đã nhận được".

Huawei đã phản ứng bằng cách nói "báo cáo này thiếu độ tin cậy vì được xây dựng dựa trên quan điểm hơn là thực tế".

Cáo buộc mới nhất đặt ra thách thức hơn nữa với hoạt động kinh doanh của Huawei. Mặc dù các lựa chọn với công ty ở Anh đang bị hạn chế, Huawei vẫn đang cố gắng bán cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của mình cho các nước khác ở châu Âu và đầu tư rất nhiều vào công nghệ này.

Người phát ngôn của Huawei cho biết: “Chúng tôi chắc chắn mọi người sẽ nhìn thấy những cáo buộc vô căn cứ về sự thông đồng này và thay vào đó hãy nhớ những gì Huawei đã mang lại cho Anh trong 20 năm qua”.

Mỹ và các đồng minh cho rằng công nghệ của Huawei có thể được sử dụng để làm gián điệp cho Trung Quốc. Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc nhiều lần phủ nhận điều này.

Hiện Chính phủ Anh cho biết các mạng di động không được mua thiết bị Huawei 5G mới từ đầu năm 2021 và sau đó phải gỡ bỏ bất kỳ thiết bị nào đã lắp đặt trước năm 2027.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng đề nghị các bộ trưởng nên cân nhắc đưa thời hạn cuối cùng đến năm 2025 nếu quan hệ với Trung Quốc xấu đi hoặc áp lực từ Mỹ và các đồng minh khác khiến điều đó trở nên cần thiết.

Các nghị sĩ thừa nhận đã được BT và Vodafone báo rằng một động thái như vậy có thể gây mất tín hiệu ở các vùng của nước Anh. Thế nhưng, họ nói rằng các nhà khai thác mạng có thể được bồi thường để giảm thiểu sự chậm trễ. Họ cũng nói Bắc Kinh đã gây áp lực thông qua "các mối đe dọa bí mật và công khai" để giữ Huawei trong mạng 5G của Vương quốc Anh. Những điều này được cho bao gồm một gợi ý rằng Trung Quốc có thể chặn đầu tư vào ngành công nghiệp hạt nhân của Anh.

Ủy ban Quốc phòng cho rằng nếu các mối đe dọa tiếp theo xảy ra, Chính phủ Anh nên "xem xét cẩn thận sự hiện diện trong tương lai của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế", đồng thời khuyến nghị Dự luật An ninh Quốc gia và Đầu tư sắp tới trao cho các bộ trưởng quyền cấm các khoản đầu tư mà họ đánh giá là rủi ro.

Báo cáo cho biết thêm, cần phải làm việc với các đồng minh để đảm bảo có các nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác thay Huawei.

anh-tim-ra-bang-chung-huawei-cau-ket-voi-nha-nuoc-trung-quoc.jpg
Huawei có thể bật bãi khỏi Anh sớm hơn dự kiến - ảnh: Reuters

Ngày 14.7 vừa qua, Chính phủ Anh công bố lệnh cấm với Huawei, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ. Nhà mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới 2027 để loại bỏ các thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông Anh khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ Huawei.

Theo Reuters, Anh cấm Huawei vì tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ với công ty viễn thông Trung Quốc. Anh là đồng minh lâu năm của Mỹ.

Điều đáng nói là hồi tháng 1.2020, Anh vẫn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy. Song trước sức ép của Mỹ, Thủ tướng Boris Johnson đã thay đổi quyết định hồi tháng 5, trong đó cho phép Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở Anh nhưng giới hạn ở mức 35% và không được tiếp cận các hệ thống lõi "nhạy cảm".

Hồi tháng 5, truyền thông Anh đưa tin ông Boris Johnson yêu cầu giới chức lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn sự liên quan của Trung Quốc trong hạ tầng mạng 5G tại nước này trước năm 2023.

Trung Quốc giận dữ sau khi Anh thông báo Huawei sẽ bị cấm tham gia phát triển mạng viễn thông 5G. Ông Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, gọi đây là "quyết định đáng thất vọng và sai lầm". "Đáng nghi ngờ liệu Vương quốc Anh có thể cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử dành cho công ty đến từ các nước khác hay không", Lưu Hiểu Minh nói.

Mới đây, Hy Lạp đang cân nhắc loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi hệ thống mạng 5G sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm nước này và củng cố quan hệ song phương.

Huawei cũng gặp rắc rối ở Úc trong bối cảnh quan hệ Úc - Trung ngày càng căng thẳng.

Năm 2018, Úc ban hành lệnh cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G nước này do lo ngại an ninh. Đây là động thái mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc chỉ trích xuất phát từ động cơ chính trị.

Hôm 21.9, Giám đốc quan hệ công chúng của Huawei tại Úc, Jeremy Mitchell cho biết: “Lệnh cấm tham gia phát triển 5G làm mất đi 1.000 việc làm lương cao. Chúng tôi phải giảm từ 1.200 xuống còn dưới 200 nhân viên, đến năm sau con số sẽ thấp hơn nữa”.

Bên cạnh đó, Huawei đã cắt đi 100 triệu AUD (72,3 triệu USD) vốn chi cho công tác nghiên cứu - phát triển tại Úc từ lúc có lệnh cấm.

Tháng 8.2020, Huawei thông báo chấm dứt tài trợ cho một câu lạc bộ bóng bầu dục Úc sớm hơn 1 năm so với hợp đồng vì kinh doanh đi xuống và môi trường làm ăn tiêu cực.

Nhân Hoàng