Phát hiện hóa thạch khỉ 6,4 triệu năm tuổi bên ngoài châu Phi

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:55, 10/10/2020

Ba hóa thạch được tìm thấy trong một mỏ than non ở tỉnh Vân Nam, cho thấy khỉ đã tồn tại ở châu Á cùng thời với vượn người cách đây khoảng 6,4 triệu năm.
khi-gia.jpg
Hình ảnh mô phỏng loài khỉ Mesopithecus pentelicus sống cách đây 6,4 triệu năm - Ảnh: Mauricio Antón

Các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy 3 hóa thạch trong một mỏ than non ở phía đông nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Những hóa thạch này cho thấy loài khỉ tồn tại ở châu Á cùng thời với vượn người cách đây khoảng 6,4 triệu năm và có thể là tổ tiên của một số loài khỉ hiện đại trong khu vực.

Nina G. Jablonski, Giáo sư nhân chủng học của Đại học Evan Pugh của Mỹ, cho biết: “Phát hiện này rất có ý nghĩa vì chúng là một trong những hóa thạch cổ nhất của loài khỉ bên ngoài châu Phi. Nó có thể là tổ tiên của nhiều loài khỉ hiện đại sống ở Đông Á. Một trong những điều thú vị từ góc độ cổ sinh vật học là loài khỉ này xuất hiện ở cùng một nơi và cùng thời điểm với loài vượn cổ châu Á”.

Jablonski và cộng sự Xueping Ji tại Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ Vân Nam đã nghiên cứu 3 mảnh xương được khai quật từ mỏ than non Shuitangba, nơi đã phát hiện nhiều hóa thạch. Họ nói rằng mảnh xương hàm dưới và xương đùi được tìm thấy ở gần nhau, có thể thuộc cùng một cá thể. Thấp hơn một chút là mảnh xương gót chân trái thuộc về một cá thể khác. Các nhà nghiên cứu xác định 3 mảnh hóa thạch thuộc về cùng một loài khỉ đã tuyệt chủng có tên khoa học là Mesopithecus pentelicus.

Jablonski cho biết: “Mảnh xương gót chân cho thấy loài khỉ này đã thích nghi tốt để di chuyển nhanh nhẹn cả trên mặt đất và trên cây. Sự linh hoạt này đã góp phần vào quá trình phân tán của loài ra khắp các hành lang rừng từ châu Âu đến châu Á”.

khi-gia2.jpg
Hóa thạch xương gót chân của loài khỉ Mesopithecus pentelicus - Ảnh: Xueping Ji

Theo các nhà nghiên cứu, xương hàm dưới và xương đùi chỉ ra rằng đó là một con khỉ cái. Những chiếc răng cho thấy chúng có thể ăn nhiều loại thực vật, trái cây và hoa, trong khi loài vượn người sống cùng thời chủ yếu ăn trái cây.

“Điều thú vị về loài khỉ này mà chúng ta biết từ nhân học phân tử, là giống như các loài khỉ khác (khỉ Cựu thế giới), nó có khả năng lên men cellulose. Nó có ruột tương tự như ruột của một con bò”, Jablonski nói thêm.

Sự thành công tiến hóa của loài khỉ Mesopithecus pentelicus là nhờ chúng có thể ăn thức ăn chất lượng thấp chứa nhiều cellulose và có đủ năng lượng bằng cách lên men thức ăn, sử dụng axit béo có sẵn từ vi khuẩn.

khi-gia3.jpg
Hóa thạch xương hàm dưới của loài khỉ Mesopithecus pentelicus - Ảnh: Xueping Ji

Jablonski nhận định: “Loài khỉ này và vượn người sẽ ăn những thứ khác nhau về cơ bản. Khỉ ăn trái cây, hoa và những thứ dễ tiêu hóa. Điều này cho phép chúng không cần uống nước mà hấp thụ tất cả lượng nước cần thiết thông qua thức ăn. Những con khỉ này không cần phải sống gần các sông hồ vẫn có thể tồn tại qua thời kỳ khí hậu biến đổi mạnh mẽ”.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ về mô hình phân tán của khỉ Mesopithecus pentelicus nhưng có bằng chứng cho thấy chúng bắt đầu từ khu vực Đông Âu và nhanh chóng lan rộng tới châu Á.

“Vào cuối kỷ Miocen khi những con khỉ này di chuyển ra khỏi Đông Âu, loài vượn người đã gần như tuyệt chủng, ngoại trừ ở châu Phi và một số khu vực Đông Nam Á. Đây là một trường hợp thú vị trong quá trình tiến hóa linh trưởng vì nó chứng minh giá trị của sự linh hoạt và khả năng thích nghi trong các môi trường đa dạng. Khi một dạng thích nghi cao được thiết lập, nó sẽ thành công và có thể trở thành nguồn gốc của nhiều loài khác”, Jablonski kết luận.

Long Hải