Cảnh sát Hồng Kông bắt 9 người nghi giúp 12 nhà hoạt động bị Trung Quốc giam giữ

Quốc tế - Ngày đăng : 12:32, 10/10/2020

Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ 9 người nghi giúp đỡ 12 nhà hoạt động Hồng Kông bỏ trốn sang Đài Loan nhưng bị cảnh sát Trung Quốc chặn lại và giam giữ ở đại lục.

Ngày 23.8, cảnh sát biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chặn một tàu ngoài khơi và bắt giữ 12 nhà hoạt động Hồng Kông. Phương tiện truyền thông đưa tin nhóm này đang trên đường đến Đài Loan xin tị nạn chính trị.

Giới chức Trung Quốc lẫn Hồng Kông đều không công khai danh tính 12 người này. Song, truyền thông tiết lộ trong nhóm có thanh niên 16 tuổi, nhà hoạt động dân chủ Andy Li (bị cáo buộc rửa tiền và thông đồng với thế lực nước ngoài) cùng một người mang hai quốc tịch Trung Quốc - Bồ Đào Nha.

Cảnh sát Trung Quốc nói 12 người bị tình nghi vượt biên trái phép. Hôm 13.9, Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi họ là “những kẻ ly khai” để đáp lại việc Mỹ mô tả vụ bắt giữ là sự suy giảm nhân quyền.

12 nhà hoạt động này liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông năm ngoái, hiện bị giam giữ ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Ho Chun-tung, Giám đốc Cục điều tra tội phạm và xã hội đen, vừa cho biết đã bắt giữ 4 nam và 5 nữ vì bị tình nghi tổ chức vận chuyển cho 12 nhà hoạt động đào tẩu. Ông không loại trừ khả năng sẽ có
thêm người bị bắt.

Cảnh sát thu giữ 500.000 USD Hồng Kông (64.500 USD Mỹ) tiền mặt, máy tính, ĐTDĐ và các tài liệu liên quan đến việc mua một chiếc tàu.

Vụ việc 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và các nhóm nhân quyền. Gia đình của 12 người nói họ không được tiếp cận với các luật sư độc lập.

Các nhà chức trách Hồng Kông tiết lộ 12 nhà hoạt động sẽ được đại diện bởi các luật sư đại lục mà họ chọn từ danh sách do chính quyền Trung Quốc cung cấp.

canh-sat-hong-kong-bat-9-nguoi3.jpg
Thành viên gia đình 12 người bị cảnh sát Trung Quốc cắt cầu xin chính quyền Hồng Kông giúp đỡ hôm 13.9 nhưng bất thành - ảnh: Reuters

Hôm 22.9, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói tại cuộc họp báo rằng 12 người bị giam giữ phải đối mặt với công lý ở Trung Quốc, và Hồng Kông không có cơ sở pháp lý để yêu cầu bất kỳ quyền cụ thể nào như giả định vô tội, xét xử công bằng hoặc đại diện hợp pháp.

Những nhà hoạt động bắt đầu trốn sang Đài Loan từ những tháng đầu 2020 sau cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm ngoái, chủ yếu là hợp pháp bằng đường hàng không, nhưng đôi khi bằng tàu đánh cá. Theo Reuters, các nhà hoạt động ở Đài Bắc đã giúp công dân Hồng Kông xin thị thực.

Điều này đã gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Đài Loan, vốn đã hứa sẽ hỗ trợ người dân Hồng Kông nhưng lại cảnh giác với việc chống lại Trung Quốc.